Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông nghiệp Hà Nội năm 2022 tăng trưởng ấn tượng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, vượt khó khăn do giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, diễn biến thời tiết bất thường, ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn duy trì đà tăng trưởng khá cao. Kết quả đạt được nhờ TP đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất phù hợp, bám sát thị trường.

Tốc độ tăng trưởng 2,6%

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2022 trên địa bàn TP tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với giá trị sản xuất đạt trên 40.600 tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2021.

Trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ngọc Ánh
Trồng rau an toàn bằng phương pháp thủy canh tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ngọc Ánh

Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, bám sát văn bản chỉ đạo của T.Ư và TP Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng các kế hoạch, chương trình và tổ chức triển khai đúng tiến độ; đồng thời chủ động phối hợp với các huyện, thị xã trong công tác chỉ đạo sản xuất để phấn đấu hoàn thành những chỉ tiêu nông nghiệp, nông thôn được giao năm 2022.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, bám sát thị trường, nhận định tình hình để điều chỉnh trong sản xuất, kết nối tiêu thụ nên ngành nông nghiệp Thủ đô đã đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra. Các cây trồng chính (lúa, rau, cây ăn quả...) đều có bước phát triển đáng ghi nhận.

Tình hình chăn nuôi cơ bản ổn định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát, không có dịch bệnh lớn xảy ra; các hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh việc tái đàn theo quy định. Đáng ghi nhận, TP duy trì hơn 24.000ha nuôi trồng thủy sản, dù không có nhiều biến động về diện tích nhưng sản lượng tăng do nuôi trồng theo phương thức thâm canh và sử dụng con giống có năng suất.

Là địa phương có truyền thống sản xuất nông nghiệp, huyện Thanh Oai đã chủ động xây dựng kế hoạch dựa trên những lợi thế, thế mạnh riêng có. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho hay, năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín ước đạt 1.858 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng hơn 1,6% so với năm 2021.

Để duy trì nhịp độ tăng trưởng, huyện đã chủ động hỗ trợ giống, vật tư cho các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, trồng rau an toàn và duy trì một số mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi thâm canh tôm càng xanh, nuôi ếch an toàn thực phẩm, trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao.  

Chủ động trong sản xuất, kết nối thị trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ cho biết, công ty đã liên kết với hơn 300 trại chăn nuôi lợn, gà, vịt trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm.

Hiện mỗi tháng, đơn vị cung ứng cho thị trường 150 tấn thành phẩm thịt lợn, gà, vịt và sản phẩm chế biến. Những tháng cận Tết Quý Mão, công ty cung ứng cho thị trường lượng sản phẩm gấp 2 - 2,5 lần so với những tháng trước.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất

Nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, Hà Nội đã xác định phải tạo ra sự khác biệt, điểm nhấn riêng so với các địa phương khác trong cả nước. Đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ số.

Chăn nuôi lợn khép kín tại Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai). Ảnh: Ngọc Ánh
Chăn nuôi lợn khép kín tại Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai). Ảnh: Ngọc Ánh

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, tính đến hết năm 2022, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn TP. Hiện nay, Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong đó, có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi; tập trung ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…

Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế đáng ghi nhận, phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường.

Đáng chú ý, tại các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đưa công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất nhằm tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp cũng như tiêu thụ nông sản bền vững. Cụ thể, một số huyện (Hoài Đức, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì) đã bắt tay vào triển khai xây dựng  trung tâm giới thiệu sản phẩm, đồng thời liên kết DN xây dựng nền tảng số cho các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm.

Về vấn đề này, ông Chu Phú Mỹ thông tin, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng thông qua nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị, mở rộng thị trường, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ mới, năng suất chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Mặt khác, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất cây, con giống; phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và đời sống cho dân cư khu vực nông thôn.