Đối mặt nhiều thách thức
Năm 2025, ngành nông sản Việt Nam đối mặt những thách thức lớn khi các thị trường xuất khẩu chủ lực liên tục áp dụng những quy định mới, đặt ra rào cản không nhỏ cho doanh nghiệp và nông dân trong nước.
Đơn cử như sầu riêng, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ngay đầu năm, Trung Quốc (thị trường tiêu thụ chính của sầu riêng Việt Nam) đã áp dụng quy định kiểm dịch vàng O, ngoài giấy kiểm định Cadimi như trước đây. Quy định này xuất phát từ việc phát hiện dư lượng hóa chất vàng O trong các lô sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan.
Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, buộc phải quay đầu không ít xe container với hàng trăm tấn vì không thể thông quan. Hệ quả là giá sầu riêng trong nước rớt mạnh, từ mức 230.000 đồng một kg trong mùa trái vụ năm ngoái xuống còn khoảng 90.000 đồng/kg hiện nay.
Tình trạng này kéo dài từ ngày 17/1 đến hết tháng 1/2025 mới kết thúc khi nhiều xe xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc được thông quan bình thường ngay khi các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu giấy chứng nhận kiểm định chất vàng O.
Còn theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả trong tháng 1/2025 đạt 417 triệu USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc Mỹ, EU và Đài Loan siết chặt kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, nhu cầu từ Trung Quốc suy giảm do các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt hơn, gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành rau quả. Thêm vào đó, gián đoạn logistics và chi phí vận chuyển tăng cao cũng khiến doanh nghiệp khó hoàn thành các đơn hàng đúng thời hạn.
Ngành gạo, vốn là trụ cột xuất khẩu của Việt Nam, cũng rơi vào tình trạng khó khăn tương tự. Với việc Philippines và Indonesia tồn kho cao, trong khi nguồn cung từ Ấn Độ trở lại mạnh mẽ, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống gần 400 USD một tấn - mức thấp nhất 5 năm qua.
Đại diện một số các công ty xuất khẩu gạo chia sẻ, các doanh nghiệp đang gặp khó trong việc thu mua lúa từ nông dân do giá giảm mạnh. Giá lúa tại ruộng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hiện dao động 6.300-6.700 đồng một kg, giảm hơn 30-40% so với thời điểm giá cao nhất.
Tương tự, ngành thủy sản cũng đối diện nhiều thách thức. Các quy định khắt khe về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và chống đánh bắt trái phép từ Mỹ, EU khiến nhiều doanh nghiệp phải đầu tư cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu.
Kiểm soát chất lượng đi đôi với mở rộng thị trường
Khuyến cáo tới các doanh nghiệp xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải thông tin, hiện nhiều mặt hàng nông sản có kim ngạch tỷ đô của Việt Nam (cà phê, hạt điều) đang được xuất khẩu ngày càng nhiều vào các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc... nên việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm là điều quan trọng hàng đầu để giữ vững thị phần.
Đối với mặt hàng rau quả, thách thức đối với ngành hàng này hiện nay là chuỗi cung ứng còn nhiều hạn chế như: sản phẩm dễ bị nhiễm hóa chất, vi phạm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật do quy mô sản xuất nhiều nơi còn nhỏ lẻ, phân tán. Những yếu tố này dẫn đến chất lượng không đồng đều hoặc thiếu các thông tin về thị trường nên khó khăn trong việc áp dụng thực hiện những tiêu chuẩn quy định của các nước nhập khẩu.
"Để tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tiếp cận và đáp ứng đáp ứng tốt nhất những thay đổi về quy định nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường trọng điểm" - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu nông sản 64 - 65 tỷ USD năm nay, Bộ NN&PTNT đã triển khai hàng loạt chiến lược. Trong đó, nổi bật là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp quy trình chế biến và kiểm soát chất lượng.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực tiềm năng như: Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh. Đặc biệt, chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính cũng được áp dụng để khuyến khích đầu tư vào sản phẩm chế biến sâu và xây dựng thương hiệu quốc tế.
Giới chuyên gia nhận định, thách thức vẫn còn lớn nhưng ngành nông sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tái cơ cấu và phát triển mạnh mẽ hơn. Với sự đồng hành của các chính sách phù hợp, mục tiêu xuất khẩu đầy tham vọng của Việt Nam hoàn toàn khả thi, khẳng định sức mạnh và vị thế trên thị trường quốc tế.
Năm 2025 đang đặt ra cho xuất khẩu nông sản Việt Nam những thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, đi kèm với thách thức là những cơ hội to lớn để tái cơ cấu, đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn. Việc chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường là những nhiệm vụ cấp bách.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan