Nông sản Hưng Yên rộng đường về Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hưng Yên là tỉnh có khá nhiều nông sản thực phẩm được sản xuất theo quy trình an toàn, song nhiều năm qua, việc đưa sản phẩm về tiêu thụ tại Hà Nội chủ yếu vẫn qua đường “tiểu ngạch”.

Mới đây, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chủ động làm việc nhằm kết nối đưa nông sản của Hưng Yên về Thủ đô tiêu thụ theo chuỗi liên kết.

Tiềm năng lớn

Nói đến Hưng Yên không thể không nhắc tới một loại quả đặc sản là nhãn lồng ngon nức tiếng, và thời điểm này nhãn lồng cũng đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Theo thống kê, toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 3.500ha nhãn, vải cho sản lượng trên 40.000 tấn/năm. Trong đó, chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nhãn quả tươi an toàn tại xã Hồng Nam (TP Hưng Yên) với quy mô 9,97ha và xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu quy mô 15,5ha đã được áp dụng quy trình VietGAP. Ông Trịnh Văn Thịnh - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hồng Nam chia sẻ, khi trồng nhãn theo quy trình VietGAP, người nông dân phải đầu tư công sức, chi phí, song việc tiêu thụ lại chưa thực sự ổn định.
Đặc sản nhãn lồng Hưng Yên được đưa về Hà Nội giới thiệu. 	Ảnh: Quang Thiện
Đặc sản nhãn lồng Hưng Yên được đưa về Hà Nội giới thiệu. Ảnh: Quang Thiện
Một trong những thế mạnh khác của Hưng Yên là các vùng rau rộng lớn với diện tích trồng toàn tỉnh từ 11.000 - 13.000ha/năm, sản lượng khoảng trên 230.000 tấn/năm. Chủng loại rau khá đa dạng như mồng tơi, bí đỏ, bí xanh, bầu, mướp, đậu đỗ, ngô bao tử, mướp đắng... Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã triển khai thí điểm 6 mô hình chuỗi sản xuất - tiêu thụ đối với rau trên diện tích hơn 26ha. Ông Nguyễn Văn Bảo - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Trung Nghĩa (TP Hưng Yên) cho biết, toàn xã có 366ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng rau màu, trong đó có một số diện tích đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. “Khả năng phát triển rau an toàn của địa phương là khá lớn nhưng tiêu thụ còn chậm nên bà con nông dân còn e ngại chưa đầu tư mở rộng sản xuất” - ông Bảo chia sẻ.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hưng Yên, toàn tỉnh có trên 8.000ha cây ăn quả, lượng quả tươi đạt trên 100.000 tấn/năm. Chăn nuôi, thủy sản cũng phát triển khá mạnh cả về số lượng và quy mô. Đáng chú ý, từ năm 2012 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đã chủ động tham mưu và tập trung chỉ đạo thí điểm xây dựng một số mô hình quản lý ATTP theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian qua, lượng nông sản của Hưng Yên đưa về Hà Nội qua các kênh chính thức còn khá hạn chế, chủ yếu thông qua thương lái và chưa kiểm soát được toàn bộ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Liên kết theo chuỗi giá trị

Do có nguồn cung nông sản tương đối lớn nên tại buổi làm việc với đại diện ngành nông nghiệp cũng như các DN phân phối sản phẩm của Hà Nội mới đây, các hộ sản xuất, HTX của Hưng Yên đều bày tỏ mong muốn được kết nối đưa sản phẩm về Thủ đô tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Văn Doanh – Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên, tỉnh có điều kiện thuận lợi để mở rộng các vùng sản xuất đảm bảo chất lượng, kiểm soát theo chuỗi nhằm cung cấp nông sản, thực phẩm an toàn cho Thủ đô. Do đó, việc kết nối hợp tác với các DN của Hà Nội từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ góp phần thúc đẩy nông dân Hưng Yên chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Những đề nghị của các HTX, DN cũng như lãnh đạo Sở NN&PTNT Hưng Yên đã nhận được sự đáp lại khá thiện chí của các DN thu mua, phân phối nông sản thực phẩm của Hà Nội. Bởi thực tế hiện nay, nhu cầu về thực phẩm an toàn của Thủ đô còn rất lớn. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, lương thực, thực phẩm sản xuất tại chỗ mới chỉ cung cấp được 52% thịt các loại, 64% cá, 65% trứng gia cầm, 20% sữa, 44% gạo tẻ, 55% rau củ tươi và 17% quả tươi. Số còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành trong cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, theo các DN, muốn hợp tác bền vững, phía các hộ, HTX sản xuất phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chất lượng sản phẩm và ATTP.

Đánh giá cao tiềm năng về nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đã có một số nông sản của địa phương này về Hà Nội như rau, chuối, nhãn song chưa xây dựng được nhiều chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm. Do đó, thời gian tới, các đơn vị của 2 Sở NN&PTNT cần bàn bạc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN của Hà Nội tiếp cận các hộ sản xuất của Hưng Yên nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài, trước mắt là 2 chuỗi sản phẩm rau, thịt an toàn. Qua đó, vừa nâng cao được giá trị nông sản cho người nông dân Hưng Yên, vừa tăng cường vai trò quản lý Nhà nước của 2 địa phương và đưa được sản phẩm an toàn đến với người dân Thủ đô.