Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nông sản Việt vào thị trường Hàn Quốc: Cẩn trọng với rào cản kỹ thuật

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất lượng đồng đều, ổn định, đảm bảo VSATTP, mẫu mã bắt mắt… chính là “chìa khóa” mà DN Việt Nam cần chú trọng để các nông sản Việt xuất khẩu xâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Hàn Quốc.

Người Hàn ưa thích hàng Việt

Trong vòng hơn 20 năm qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng gần 87 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 43,4 tỷ USD năm 2016. Đặc biệt, hàng nông lâm thủy sản có sự tăng trưởng mạnh mẽ, cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017, hàng thủy sản tăng gần 28%, đạt hơn 328 triệu USD, rau quả tăng 12%. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc đã tăng mạnh mẽ nhưng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Hàn Quốc (mỗi năm, Hàn Quốc nhập khẩu khoảng 33 tỷ USD các sản phẩm nông lâm thủy sản).

Nông sản Việt bày bán tại hệ thống siêu thị Lotte Mart Việt Nam.  Ảnh: Lê Nam

Giám đốc Chiến lược sản phẩm Công ty Lotte Mart Việt Nam Yoon Byungsoo cho biết: Hiện công ty đang đẩy mạnh đưa hàng Việt vào thị trường Hàn Quốc. Năm 2016 Lotte Mart Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng Việt trị giá 1.300 tỷ đồng sang Hàn Quốc, dự kiến năm 2017 kim ngạch xuất khẩu lên đến 2.000 tỷ đồng. Hàn Quốc hiện khá quan tâm trái cây nhiệt đới mà nước này không có nhưng lại là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam như thanh long, xoài, chuối…

Không chỉ hàng xuất khẩu, nông sản nội địa của Việt Nam cũng đang thu hút sự quan tâm của khách du lịch Hàn Quốc. Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam Jung Chang Wook cho biết, hiện lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt gần 2 triệu lượt, chỉ đứng sau Trung Quốc. Khi đến Việt Nam du lịch, du khách Hàn Quốc thường tìm mua những mặt hàng nông sản đặc trưng như xoài sấy khô, các chế phẩm từ dừa, đặc biệt cà phê. Ngoài ra, những loại hạt như đậu phộng, hạt điều cũng là món hàng được lựa chọn nhiều. “Điều đó cho thấy Hàn Quốc đang là thị trường rộng lớn để tiêu thụ hàng Việt” - ông Jung Chang Wook khẳng định.

Khắc phục điểm yếu

Mặc dù Hàn Quốc là thị trường rộng lớn để xuất khẩu nông sản Việt, tuy nhiên muốn làm được điều này đòi hỏi DN Việt phải khắc phục những yếu điểm về chất lượng hàng hóa, cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nước sở tại. Thực tế cho thấy, điểm yếu của nông sản Việt xuất khẩu thường là chưa đảm bảo tính đồng nhất về kích thước, hương vị, màu sắc, lẫn nhiều sản phẩm hỏng. Ngoài ra, DN còn khá mơ hồ về điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản sang thị trường này.

Đại diện CJ Freshway, một trong những nhà phân phối thực phẩm lớn nhất Hàn Quốc cho biết: DN Hàn Quốc khá quan tâm đến trái cây tươi Việt Nam, nhưng chỉ chấp nhận sản phẩm bảo quản bằng xử lý nhiệt chứ không chiếu xạ như một số thị trường khác. Ngoài ra, vấn đề thiết kế bao bì sản phẩm của nông sản Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, kém hấp dẫn so với những mặt hàng cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc… Phó Chủ tịch CLB nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam Nguyễn Hoàng Anh cho rằng: Hiện sản xuất sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phục vụ xuất khẩu đều làm theo hướng tự phát, chưa có định hướng, quy hoạch rõ ràng vùng chuyên canh, tiêu chuẩn cụ thể cũng như sự ràng buộc giữa nhà phân phối và người nông dân.

Do vậy, để tháo gỡ khó khăn này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp với Thương vụ tại Hàn Quốc tìm hiểu thông tin thị trường, đối tác, tạo điều kiện cho DN hợp tác xuất khẩu nông sản bền vững. Bên cạnh đó, chính các DN cần đầu tư vào khâu kiểm soát chất lượng, duy trì chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình giao dịch. Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng được hệ thống xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, quản lý chặt khâu sản xuất, đảm bảo sản phẩm phải được truy xuất được nguồn gốc khi đưa ra thị trường.

Mặc dù còn rất nhiều cơ hội xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam vào Hàn Quốc, nhưng muốn đẩy mạnh xuất khẩu đòi hỏi chính bản thân các DN phải nhanh chóng tiếp cận các quy định về chất lượng, VSATTP, đổi mới công nghệ, tuân thủ đúng các quy trình chế biến, sản xuất để vượt qua các rào cản kỹ thuật. DN cần lưu ý, hiện Hàn Quốc còn siết chặt quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm, các lô hàng không đạt tiêu chuẩn không chỉ bị trả về mà DN còn phải chịu phạt.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) Lê An Hải