Nóng sang nhượng dự án BĐS

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù thị trường bất động sản trong nước vẫn chưa có những tín hiệu lạc quan nhưng không ít nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng cơ hội giá xuống để tham gia vào thị trường.

KTĐT - Mặc dù thị trường bất động sản trong nước vẫn chưa có những tín hiệu lạc quan nhưng không ít nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng cơ hội giá xuống để tham gia vào thị trường.

Đã có nhiều thương vụ được hoàn tất trong thời gian qua dù nhà đầu tư trong nước vẫn đóng vai trò “cầm trịch”. Có thể nói, nóng nhất trên thị trường hiện nay là các vụ sang nhượng dự án đình đám.

Đáng chú ý nhất là việc VinaCapital thông báo hai trong số các quỹ đầu tư thuộc quản lý của tập đoàn này đã bán toàn bộ 70% cổ phần của mình tại khách sạn 5 sao Hilton Hà Nội Opera cho một nhà đầu tư trong nước. Gần đây nhất, VinaCapital cũng chính thức công bố bán lại 50,1% cổ phần của dự án A&B Tower (Q.1, TP.HCM) sau bốn năm đầu tư vào dự án này.

JSM Indochina (JSM), công ty chuyên về lĩnh vực nhà ở và bán lẻ, cũng cho biết đã mua được hai lô đất có vị trí nổi bật ở khu Thảo Điền (Q.2, TP.HCM). Cụ thể, JSM đã trả 14 triệu USD cho lô đất Prince và 12 triệu USD cho lô đất Princess để phát triển dự án nhà ở của mình. Hai khu đất này không nằm liền kề nhau, tuy nhiên JSM dự định phát triển hợp nhất với lô đất “Peninsula” gần bên đã mua được trong năm 2008 với giá 19 triệu USD.

Tương tự, Công ty cổ phần đầu tư công đoàn BIDV cũng tiến hành mua 996 căn hộ trung cấp của dự án Hoàng Anh An Tiến (H.Nhà Bè, TP.HCM) do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư với giá bán tương đương 1.000-1.100 USD/m2.

Nhận xét về vấn đề này, một chuyên gia bất động sản cho rằng, những chủ đầu tư có tầm nhìn xa đang tận dụng tối đa thời điểm thị trường bất động sản chưa kịp ấm lại để đầu tư. Đặc biệt, các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam thì đây là thời cơ tốt không chỉ về giá.

Việc mua lại dự án khiến họ “đốt cháy” được các khâu làm thủ tục xin giấy phép xây dựng và hàng loạt các thủ tục hành chính khác, vấn đề mà họ rất sợ khi đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, các chủ đầu tư trong nước không nên “bán rẻ” dự án khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế đã có dấu hiệu qua đi, sự phục hồi đã bắt đầu và đây chính là thời điểm phát triển trở lại của thị trường bất động sản.

“Các tổ chức nước ngoài muốn tham gia thị trường bất động sản Việt Nam nhưng họ vẫn đang chờ đợi giá giảm hơn nữa từ các chủ đầu tư kẹt vốn”, chuyên gia này nhận xét về tương quan các vụ sang nhượng trên thị trường hiện nay.

Tuy vẫn “cầm trịch” trên thị trường, nhưng các vụ sang nhượng dự án với giá thấp cũng  từ các chủ đầu tư trong nước. Đây chính là nghịch lý của lĩnh vực đầu tư bất động sản trong nước, khi các “ông chủ” nội địa vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để liên doanh, liên kết hay hỗ trợ nhau, thay vì để các đối tác nước ngoài ép giá như nhiều thương vụ đã xảy ra.