70 năm giải phóng Thủ đô

Nông thôn mới Phú Xuyên khởi sắc

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phú Xuyên là một trong những huyện của TP Hà Nội có xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) gặp không ít khó khăn, đến cuối năm 2021 mới hoàn thành các tiêu chí để đầu năm 2022 được công nhận huyện NTM.

Đến nay, diện mạo vùng quê của Phú Xuyên đã có nhiều thay đổi tích cực, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.

Đường làng khang trang

Đến thăm các xã Đại Thắng, Phúc Tiến, Tri Trung, Phú Yên… của huyện Phú Xuyên giờ đây, ai nấy đều nhận thấy diện mạo nông thôn đã được cải thiện rõ rệt với những tuyến đường giao thông khang trang, sạch đẹp; đường hoa, cây xanh thẳng tắp. Môi trường trong lành, rác thải được thu gom, vận chuyển xử lý ngay trong ngày.

Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh kiểm tra công tác sản xuất tại làng nghề giày da xã Phú Yên. Ảnh: Nguyễn Trường
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh kiểm tra công tác sản xuất tại làng nghề giày da xã Phú Yên. Ảnh: Nguyễn Trường

Trường lớp đều được xây, sửa mới. Ông Lê Văn Thuấn, xã Phúc Tiến chia sẻ, trong khi Nhà nước hỗ trợ kinh phí để nạo vét, kè ao hồ, kênh mương thì người dân góp công sức mua cây xanh, ghế đá, đèn chiếu sáng. Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa, người dân góp tiền mua sắm bàn ghế, lắp đặt dụng cụ vui chơi thể thao. Nhà có điều kiện thì hiến đất mở rộng đường, các gia đình khác đóng góp kinh phí trồng cây xanh, làm cổng làng, đổ bê tông đường làng...

Còn tại xã Tri Trung, đi đến đâu cũng thấy người dân hồ hởi bàn tán về chuyện Nhà nước cùng Nhân dân nỗ lực hoàn thiện nốt một số tiêu chí xây dựng NTM nâng cao. Hàng loạt tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn nơi đây đang được thảm nhựa và đổ bê tông, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.

Chủ tịch UBND xã Đại Thắng Nguyễn Văn Hoa cho biết, xây dựng NTM là chủ trương của Đảng và Nhà nước mang tính chiến lược dài hơi, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp thay đổi diện mạo các làng quê, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Vì vậy, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, thi công các tuyến đường giao thông theo đúng quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm phục vụ việc đi lại của người dân trong quá trình lao động sản xuất.

Đến nay, toàn xã có khoảng 10km đường trục xã, liên xã, đường từ trung tâm xã đến huyện được thảm nhựa và bê tông hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo ô tô, xe máy đi lại thuận tiện. Đường trục của 4 thôn, xóm và đường liên thôn, liên xóm trên toàn xã có chiều dài khoảng 70km được nhựa hóa, bê tông 100%. Đường làng, ngõ xóm ngày càng trở nên xanh, sạch đẹp và thông thoáng hơn.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết, chương trình xây dựng NTM của Phú Xuyên đã nhận được sự chung tay ủng hộ của đông đảo người dân. Nổi bật như gia đình ông Phạm Quang Bửu, xã Phúc Tiến ủng hộ hơn 300 triệu đồng xây kè giếng đình thôn Cổ Chế và làm đường giao thông ngõ xóm; hay gia đình bà Nguyễn Thị Lân và ông Vũ Văn Phú ở xã Đại Thắng, mỗi hộ ủng hộ gần 100 triệu đồng làm đường bê tông, kè ao hồ.

Không chỉ ủng hộ tiền mặt, người dân còn hiến đất thổ cư và đất nông nghiệp mở rộng các tuyến đường ở khu dân cư, trong đó có gia đình ông Vũ Anh Đào, xã Phúc Tiến hiến gần 40m2 đất thổ cư mở rộng đường làng. Đến nay, đường làng, ngõ xóm ở nhiều địa phương thẳng tắp, đi lại thuận tiện. Việc làm này đã góp phần tạo ra những công trình khang trang, đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Nhiều phong trào phát huy hiệu quả

Bên cạnh việc nhân rộng những mô hình sáng - xanh - sạch - đẹp, huyện Phú Xuyên đã giải quyết nhiều “điểm nóng” ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Đơn cử, tại xã Chuyên Mỹ có hàng nghìn hộ dân là các cơ sở sản xuất đồ gỗ, khảm trai. Hoạt động này đã phát sinh lượng lớn chất thải rắn với thành phần chủ yếu là các loại đầu mẩu gỗ vụn, đồ thừa từ vỏ trai và gỗ không thể tái chế. Còn tại xã Sơn Hà, những đống đầu mẩu da vụn thừa sau khi làm túi xách bằng da cũng được xử lý…

Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện Phú Xuyên chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức các buổi ra quân tổng vệ sinh môi trường. Tuyên truyền, vận động người dân, nhất là người dân các làng nghề tích cực thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường, phân loại, thu gom chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất ở tại các cơ sở làng nghề để sử dụng vào những việc khác, giúp hạn chế lượng chất thải bỏ đi.

Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn, nhất là tại các làng nghề, UBND huyện đã trình UBND TP và được phê duyệt thành lập xây dựng hàng loạt các cụm công nghiệp (CCN), như: CCN làng nghề Đại Thắng, CCN làng nghề Phú Túc, CCN làng nghề Phú Yên. Đến nay, CCN làng nghề Đại Thắng và CCN làng nghề Phú Túc đã cơ bản hoàn thành và đang chờ hoàn thiện nốt các thủ tục để đưa vào hoạt động sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, để phong trào xây dựng NTM đạt kết quả và nâng cao chất lượng các tiêu chí, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Đặc biệt, UBND huyện tiếp tục duy trì cuộc thi bảo vệ môi trường để toàn dân cùng chung tay xây dựng huyện Phú Xuyên xanh - sạch - đẹp, phát triển giàu đẹp, văn hóa, văn minh. Câu chuyện xây dựng NTM ở Đại Thắng, Phúc Tiến và Tri Trung cũng như nhiều làng quê khác ở huyện Phú Xuyên có được kết quả như ngày hôm nay trước hết nhờ sự chung sức đồng lòng, sẵn sàng vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân địa phương nơi đây.

 

"Từ khi huyện phát động phong trào toàn dân xây dựng NTM và NTM nâng cao, người dân địa phương đều tích cực hưởng ứng. Bộ mặt làng xã ngày một đổi thay, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, ai nấy đều rất phấn khởi. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Phú Xuyên đặt mục tiêu có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đạt chuẩn NTM kiểu mẫu." - Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh