Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nord Stream 2 sắp thông dòng, Mỹ hối thúc Nga “xắn tay” giải quyết khủng hoảng năng lượng tại EU

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman vừa kêu gọi Nga hỗ trợ nhiều hơn nữa để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu trước mùa đông.

“Thứ trưởng Wendy Sherman kêu gọi Nga làm nhiều hơn nữa để đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu, đồng thời lặp lại lời kêu gọi của Đặc phái viên về Khí hậu Mỹ John Kerry yêu cầu nước này đóng góp nhiều hơn dựa trên quy mô quốc gia về Thỏa thuận Paris vào thời điểm COP 26 họp vào ngày 31/10” - thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 15/10 cho hay.
 Nga hiện chiếm 50% nguồn cung cấp khí đốt tại châu Âu. Ảnh: RT
Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp của Thứ trưởng Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ các vấn đề kinh tế Jose Fernandez và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Overchuk liên quan đến các vấn đề song phương giữa Nga và Mỹ.
Lời kêu gọi trên được Thứ trưởng Sherman đưa ra trong bối cảnh tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga vừa hoàn thành bất chấp những nỗ lực cản trở của Washington trong nhiều năm qua. Chính quyền Mỹ từng kịch liệt phản đối dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 vốn cung cấp lượng khí đốt tương đương với lượng khí đốt mà Gazprom quá cảnh qua Ba Lan và Ukraine.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 14/10 thông báo tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 sẵn sàng đi vào hoạt động ngay trong những ngày tới. Gazprom đã lên kế hoạch vận chuyển những dòng khí đốt đầu tiên tới Đức vào đầu tháng 10, song dường như kế hoạch này khó thực hiện khi chưa được sự chấp thuận của Cơ quan mạng lưới liên bang Đức (BNetzA).
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm và tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.
Trước đó, các quan chức Mỹ tuyên bố rằng Nga phải chịu trách nhiệm về tình trạng khan hiếm khí đốt và cuộc khủng hoảng giá năng lượng tại châu Âu. Cuối tháng trước, ông Amos Hochstein - Cố vấn cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề an ninh năng lượng, nói rằng cuộc khủng hoảng khí đốt tại châu Âu một phần là do Nga hạn chế nguồn cung khí đốt, đặc biệt việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine. Trong khi đó, Cố vấn An ninh Mỹ Jake Sullivan cáo buộc Moscow sử dụng các nguồn năng lượng như một “vũ khí” chính trị.
Về phần mình, Điện Kremlin cho biết tất cả các khách hàng châu Âu đều thừa nhận rằng Moscow đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ cung cấp theo hợp đồng khí đốt hiện tại. Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov phản đối tuyên bố của Cố vấn an ninh Sullivan, đồng thời khẳng định Nga là "nhà cung cấp khí đốt an toàn và đáng tin cậy nhất" cho châu Âu, và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia trong khu vực để ổn định giá cả.
Trước luồng dư luận đổ lỗi cho Nga về giá khí đốt tăng, cáo buộc Nga sử dụng năng lượng như một vũ khí, Tổng thống Vladimir Putin gọi đó là "lời nói nhảm có động cơ chính trị”. Theo Tổng thống Putin,  giá khí đốt ở châu Âu tăng là hệ quả của tình trạng khan hiếm năng lượng điện, chứ không phải là ngược lại, không cần phải đổ lỗi phi lý.
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng bác bỏ những tuyên bố của Washington rằng Moscow phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, chỉ ra rằng Nga đã tăng lượng cung cấp khí đốt cho khu vực này lên 15%, trong khi các quốc gia bao gồm Mỹ đã giảm doanh số một cách nghịch lý.
Trong một diễn biến liên quan, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 15/10 nói rằng Gazprom đã sẵn sàng tăng sản lượng nguồn cung khí đốt nếu châu Âu tăng thêm khối lượng các hợp đồng dài hạn với tập đoàn khí đốt quốc gia Nga.
Theo Điện Kremlin, tập đoàn khí đốt Gazprom đang cung cấp khí đốt cho châu Âu ở mức tối đa theo các hợp đồng hiện nay và bất kỳ mong muốn gia tăng lượng khí đốt cần phải được đàm phán với tập đoàn này.
Nga hiện chiếm 50% nguồn cung cấp khí đốt tại châu Âu. Giá điện tại EU đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, trong khi giá khí đốt tự nhiên tăng gần 800%, làm dấy lên lo ngại giá cả leo thang có thể gây bất ổn cho nền kinh tế khu vực./.