Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nữ điều dưỡng 20 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chia sẻ của điều dưỡng Khuất Thị Chiêm - Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện (BV) Tâm thần Mỹ Đức. Chị Chiêm đã gắn bó 20 năm ở BV, tiếp xúc và chia sẻ với nhiều bệnh nhân, giúp họ vượt qua khủng hoảng tâm lý, từ thế giới hoang tưởng trở về hòa nhập với cuộc sống đời thường.

Hiểu về một thế giới

Khác với cuộc sống đời thường xô bồ, náo nhiệt, chỉn chu, thế giới của những người ở BV tâm thần khác hẳn. Tiếng gào thét xen lẫn tiếng cười, tiếng khóc rên rỉ, mỗi người mỗi vẻ, tóc tai bù xù, những ánh mắt vô hồn, những hành động vô thức ngẩn ngơ… Dẫn chúng tôi đi thăm BV, vừa đi, chị Chiêm vừa nói chuyện vể cho những điều đã đẩy bệnh nhân của mình vào căn bệnh tâm thần: “Cuộc sống khắc nghiệt, cám dỗ của xã hội khiến  nhiều người không vượt qua được đã rơi vào trạng thái rối loạn tư tưởng tâm lý hay do nghiện rượu bia, game, ma túy…”. Rồi chị lại cười phân trần: “Bình thường khi không phát bệnh, họ hiền và lành lắm!”.
Một bệnh nhân đang được chị Chiêm chăm sóc.
Một bệnh nhân đang được chị Chiêm chăm sóc.
Chị hiểu người bệnh của mình, hiểu cả thế giới nội tâm đang ngự trị trong tâm can họ, nên mới biết: “Những lúc bệnh nhân bị xung chấn tâm lý phát bệnh, có những người nói nhảm, phán xét như thần thánh, có những người ca hát, nhảy múa cả ngày, lại có những người co ro, sợ sệt, ru rú trong góc nhà… Nếu lúc đó có ai tiếp xúc, họ trở nên cộc cằn, nóng nảy, cực kỳ manh động”. Thế nên, chị luôn tâm niệm, đội ngũ y, bác sĩ làm việc ở môi trường này phải là những người thực sự có tâm, nhẫn nhịn và thấu hiểu sâu sắc bệnh lý của từng bệnh nhân mới có thể gắn bó và bám trụ được nơi đây.

Vượt qua khó khăn

Nếu như các bệnh thông thường khác, việc chẩn đoán bệnh và điều trị có thể dựa vào chiếu chụp, xét nghiệm, rồi bệnh nhân kể được đau đớn, khó chịu trong người để bác sĩ có phác đồ điều trị đúng… thì việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần khó gấp bội. Các bác sĩ phải kiên trì trò chuyện, đôi lúc phải “giả điên cùng bệnh nhân” để người bệnh tin tưởng, bộc bạch căn nguyên gây bệnh. Bởi thế, chuyện bác sĩ bị chửi, bị đánh, điều dưỡng đang đút cơm bị người bệnh phun cơm vào mặt là… chuyện bình thường. “Ấy vậy mà vẫn phải nhịn và dùng đủ mọi biện pháp, chiêu trò, dỗ dành, để nắm bắt được các biểu hiện bệnh lý của bệnh nhân thì mới đưa ra được phương pháp điều trị thích hợp” - chị Chiêm tâm sự.

Hơn thế, khi mắc bệnh tâm thần, nhiều người bệnh thường mang trong mình định kiến, coi thường mạng sống, tìm mọi cách để chối bỏ quyền được sống. Cho nên y, bác sĩ luôn phải tiên lượng mọi tình huống có thể xảy ra và cử người theo dõi sát không để bệnh nhân làm liều, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Ngoài ra, khâu chăm sóc vệ sinh cá nhân, phục hồi chức năng cho người bệnh cũng rất vất vả. Ở BV tâm thần, điều dưỡng phải đôn đốc người bệnh hoặc làm toàn bộ, giúp bệnh nhân như đánh răng, rửa mặt, tắm giặt, gội đầu, gấp chăn, màn… Những bệnh nhân nặng thì điều dưỡng phải trực tiếp bón cơm hay cho bệnh nhân ăn xông… Chị Chiêm kể: “Có nhiều gia đình đăng ký với BV sẽ lo ăn cho bệnh nhân, nhưng chỉ được mấy ngày đầu, rồi sau đó bệnh nhân bị bỏ mặc, không có đồ ăn. Họ đói, mà khi bệnh nhân phải uống thuốc điều trị, bụng trống rỗng dẫn đến tụt huyết áp, bệnh tình không thuyên giảm mà còn trầm trọng hơn. Vậy là chúng tôi phải bỏ tiền túi ra, mua đồ cho bệnh nhân ăn no rồi mới cho uống thuốc”.

Lấy sự đồng cảm chân thành để hiểu bệnh nhân của mình và có phương pháp chăm sóc phù hợp, chị Chiêm thường xuyên trò chuyện với bệnh nhân như người ruột thịt, chia sẻ với bệnh nhân những nỗi niềm, những vướng mắc, khó khăn mà họ gặp phải, giúp họ giải tỏa tâm lý, hướng đến những điều tốt đẹp để có sức mạnh vượt qua bệnh tật. “Cũng qua những lần tiếp xúc với bệnh nhân, mình có cơ hội biết được nhiều câu chuyện éo le, bất hạnh, đau khổ mà họ đã gánh chịu, gắng sức vượt qua mà không được nên đã lạc vào thế giới tỉnh mơ, mơ tỉnh… Điều đó đã trở thành sức mạnh thôi thúc tôi gắn bó cống hiến cho công việc” - chị Chiêm trải lòng. Chính vì vậy mà đã 20 năm, dù ở cương vị nào, điều dưỡng Khuất Thị Chiêm cũng không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, để có những phương pháp chăm sóc bệnh nhân tốt nhất.

Khi hỏi định kiến của xã hội về công việc chị đang làm, chị Chiêm nhanh nhảu xua tay: “Xã hội bên ngoài có nhiều người nói, hàng ngày chúng tôi sống cùng những người tâm thần, chăm sóc những người ngơ ngác thì có khi chúng tôi cũng… bị lây. Nhưng đó đặc thù công việc, chính nó cho chúng tôi cái tên thiện cảm “bác sĩ tâm thần”. Thế mới biết sự vất vả và sự tận tâm của những thầy thuốc ở BV này. Họ đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để giúp người bệnh tâm thần được trở lại với gia đình và hòa nhập với xã hội. Như chị Chiêm chia sẻ: “Và trên tất cả, nếu được quan tâm, chăm sóc bằng chính tình yêu thương, sự đồng cảm chân thành của gia đình, của cộng đồng thì bệnh nhân càng phục hồi nhanh”.