Nữ doanh nhân vì sự nghiệp môi trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha" là sản phẩm xử lý rác thải sinh hoạt nhận được khá nhiều giải thưởng trong và ngoài nước vì tính năng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...

Nữ doanh nhân vì sự nghiệp môi trường - Ảnh 1Tác giả của công trình nghiên cứu này là thạc sĩ Đàm Thị Lan - Giảng viên Bộ môn Năng lượng và Môi trường, trường Đại học Xây dựng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đức Minh.

Thành quả từ kiên trì, sáng tạo

Không giấu niềm tự hào, chị Lan chia sẻ, để có được sản phẩm này là cả một quá trình nghiên cứu, phát triển từ năm 2004 - 2012, với sự góp công sức của chồng là Ths Nguyễn Đức Quyền (hiện là Phó Giám đốc Công ty), và Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Đức Minh.

Khi còn là sinh viên trường Đại học Bách khoa, chị Lan đã bắt đầu nghiên cứu đề tài này. Tuy nhiên, đến năm 2006, kinh phí để nghiên cứu không có nên đề tài chỉ dừng lại ở mức độ làm đồ án tốt nghiệp đại học. Thời điểm đánh dấu cho sự ra đời của sản phẩm là năm 2009, khi đang làm nghiên cứu sinh, chị Lan quay lại quyết tâm thực hiện đề tài còn dang dở với sự trợ giúp của chồng về mặt kỹ thuật nhiệt, sự hỗ trợ 100% tài chính của Công ty TNHH MTV Đức Minh. Đến năm 2012, "Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD - Anpha" hoàn thành và được cấp phép.

Các loại lò đốt như thế này sử dụng ở Việt Nam trước đây chủ yếu là lò nhập khẩu với mức giá cao, khó vận hành, không đảm bảo quy chuẩn về môi trường, vì ở Việt Nam không giống những nước phát triển đã thực hiện phân loại rác thải ngay từ nguồn. Do đó, công trình lò đốt rác BD - Anpha ra đời đáp ứng được tiêu chí bảo vệ môi trường, giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế của từng cơ quan, đơn vị. Nói về phạm vi ứng dụng của lò đốt, chị Lan cho biết, lò phù hợp với điều kiện cấp xã, thị trấn, vùng nông thôn, miền núi, hải đảo chưa có điều kiện phát triển kinh tế hoặc chưa có điều kiện xử lý chôn lấp rác tập trung. Công suất xử lý rác nhỏ, đã phân loại sơ bộ, không có chất hữu cơ chứa clo, không dính bết và công suất định mức từ 50 - 10.000kg/giờ tại độ ẩm định mức của chất thải rắn sinh hoạt. Với độ ẩm định mức 30%, trong giai đoạn khởi động không cần có dầu đốt kèm, chỉ cần đến rác khô ít độc hại, củi hoặc các nguyên liệu dễ cháy. Với rác có độ ẩm cao hơn trong những ngày trời mưa thì cần thêm các biện pháp giảm độ ẩm rác trước khi đốt (hong phơi, tận dụng nhiệt để sấy hoặc đốt phối trộn với các chất có nhiệt trị cao khác).

Sản phẩm nhiều ưu việt 
Tại Triển lãm và Diễn đàn Phụ nữ sáng tạo và nữ doanh nhân quốc tế - Hàn Quốc tại Seoul (Hàn Quốc) từ ngày 14 - 19/5, sản phẩm "Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD - Anpha" đã nhận được giải Vàng.

Chị Lan nhấn mạnh đến tính ưu việt của lò đốt ở chỗ, không dùng điện trong quá trình đốt rác thải sinh hoạt, với kết cấu đặc thù bên trong dựa vào nguyên lý tạo cửa gió và dẫn khí, nghĩa là sử dụng khí tự nhiên tạo ra nhiệt để xử lý ô nhiễm môi trường. Nếu sử dụng lò đốt này, cơ bản xử lý được 60 - 70% rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn, chỉ còn 30% lượng rác hữu cơ tồn đọng, bao gồm cả tro, xỉ mang đi chôn lấp sẽ giảm được nhân công cũng như kinh phí. Nếu các huyện ngoại thành của Hà Nội sử dụng lò đốt này sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí, vì 2 - 3 huyện lân cận nhau có thể chọn một điểm thuận lợi thu gom về đốt sẽ cơ bản xử lý được rác thải sinh hoạt ngay tại địa phương.

Từ khi ra đời, đã có gần 30 sản phẩm được ứng dụng trên 15 tỉnh, thành như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Bình Dương... để xử lý rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, một số DN công nghiệp như nhà máy giấy, da giày… cũng bước đầu tiếp cận và sử dụng lò đốt rác này. Hiện, giá của lò đốt từ 0,4 - 2,5 tỷ đồng tùy theo công suất và độ bền của lò trên 10 năm, có bảo hành, bảo trì 2 năm. Đưa ra ví dụ về tính ưu việt của lò đốt như huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã áp dụng lò loại 250kg/giờ để đốt rác thải sinh hoạt, rác thải y tế (bố trí thêm buồng dẫn dầu và dùng quạt bé để xử lý vì rác y tế là loại khó cháy). Nếu tính tiền đầu tư mua máy rẻ hơn nhiều so với việc vận chuyển rác vào đất liền xử lý. "Một cách áp dụng rất hay ở xã Hải Minh (Nam Định), do không có quỹ đất chôn lấp mà nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt rất lớn, đã kêu gọi người dân cùng đồng hành và nộp phí phù hợp để có thể vận hành lò. Đến nay, sau khi lò đốt rác đi vào hoạt động đã cơ bản đáp ứng được việc xử lý rác thải sinh hoạt của địa phương, đồng thời tạo được môi trường sạch" - chị Lan nói.

Tuy nhiên, trong qua trình khảo sát để thực hiện ứng dụng rộng rãi, nhiều địa phương, DN cho biết, dù có nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt nhưng chưa có đủ vốn, mặt bằng. Bên cạnh đó, việc xây dựng một cơ chế vận hành và sử dụng hợp lý nguồn kinh phí để duy trì hoạt động là hết sức cần thiết để có thể nhân rộng mô hình thân thiện với môi trường này. 

"Lò đốt cơ bản đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm môi trường. Thời gian tới, Công ty sẽ cố gắng cải tiến để hoàn thiện và giảm giá thành để có thể áp dụng rộng rãi trong xã hội" - chị Lan chia sẻ.

Cùng với giải thưởng ghi nhận sự ưu việt của "Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha" thì sự quan tâm, triển khai rộng rãi sản phẩm thời gian qua là cơ sở để DN tin tưởng vào sự phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới.
Ths Đàm Thị Lan: "Mình cùng các thành viên Công ty kinh doanh, nghiên cứu khoa học bằng cái tâm sáng, luôn mong muốn được cống hiến và làm cái gì đó có ích cho xã hội".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần