Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Núi Ba Đèo Quảng Ninh: Một điểm đến, hai trải nghiệm văn hóa phương Đông

Thảo Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Êm đềm tọa lạc giữa những triền thông xanh mát bên vịnh Hạ Long, hai nền văn hóa Phương Đông được kết nối một cách mềm mại bởi một cây cầu bắc qua thung lũng xanh, mang tới cho du khách những trải nghiệm văn hóa - tâm linh ý nghĩa trên thành phố di sản.

Bảo Hải Linh Thông Tự - Chắt lọc văn hóa Phật giáo Việt

Nếu du khách và người dân Quảng Ninh đã quen với một “Nhật Bản thu nhỏ trong lòng di sản” trên núi Ba Đèo, như một điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua của Hạ Long với cây cầu Koi biểu tượng, thì nay lại tiếp tục ngỡ ngàng trước một không gian mới rộng lớn và đậm hơi thở Việt Nam nơi đây: Bảo Hải Linh Thông Tự.

Quy mô, bề thế và tinh tế, đó là những cảm nhận nổi bật khi đặt chân đến nơi đây. Bảo Hải Linh Thông Tự - với ý nghĩa “ngôi chùa linh thiêng nằm giữa đồi thông xanh mát” mang những kiến trúc Phật giáo chắt lọc đẹp đến tráng lệ, nhưng lại giữ trọn nét nguyên sơ của một ngôi chùa bình yên nép giữa rừng thông xanh rì của núi Ba Đèo, phía xa là biển biếc xanh, ngước mắt lên trên là vòm trời cao vợi.
Đây là công trình tâm linh hiếm hoi tại Việt Nam được tạo tác từ gỗ và đá nguyên khối, hòa điệu với thiên nhiên xung quanh và mang lại sự yên bình, gần gũi thật tự nhiên cho du khách, Phật tử tới vãn cảnh, chiêm bái.

Bảo Hải Linh Thông Tự nằm trong quần thể du lịch Sun World Halong Complex, được xây dựng trên cơ sở kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc, là tổng hòa giữa lối kiến trúc chùa Việt cổ tại Bắc Bộ vào thế kỷ XVII, XVIII và sự vận dụng sáng tạo ngôn ngữ tạo hình dân gian với đủ Tam quan, Ngũ Phương Bảo Tháp, Lầu chuông, Lầu Khánh, Tam bảo, Nhà Tổ, Nhà Mẫu...
Bởi vậy, dù được xây mới hoàn toàn, nhưng như Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Ủy viên Hội đồng Trị sự T.Ư, Phó trưởng ban trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh nhận xét: “Bảo Hải Linh Thông Tự vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của Phật giáo Việt Nam. Đây là điều rất đáng quý trong giai đoạn hiện nay”.
Đó là cột kinh cao 4m tại Ngũ Phương Bảo Tháp phỏng theo mẫu cột kinh Phật có niên đại từ 1000 năm trước tại chùa Nhất Trụ (Hoa Lư, Ninh Bình) nguyện cầu bình an cho đất nước, là Tam Bảo với khung mái “giá chiêng, chồng rường” theo phong cách kiến trúc truyền thống thế kỷ XVII, là Tượng Quan Âm Tự Tại được chép theo nguyên mẫu tượng ở động Thiên Trù, chùa Hương giữa hồ sen thanh tịnh yên ả, Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân được tạo tác theo nguyên mẫu ở Đền Hùng, tượng Hộ Pháp và Tam Tổ Trúc Lâm lấy mẫu ở chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang, Thập Bát La Hán lấy từ chùa Tây Phương, Bát Bộ Kim Cương lấy mẫu Chùa Mía...

Tất cả những tinh túy kiến trúc Phật giáo trên cả nước đã được hội tụ. Những pho tượng được khéo léo chuyển thể từ nguyên mẫu tượng gỗ sang tượng đồng một cách kỳ công với công nghệ khuôn vỏ mỏng hiện đại, để làm nên 65 pho tượng đồng và 37 pho tượng gỗ mít kế thừa tinh thần nguyên tác, nhưng được điều chỉnh để thêm tinh tế. Và bởi vậy, không khó hiểu khi tới Bảo Linh Thông Tự, bất cứ ai cũng trào dâng một cảm xúc rất đặc biệt, vừa lạ, vừa quen, vừa gần gũi mà vừa không khỏi trầm trồ thán phục.

Hành trình nối tiếp của hai nền văn hóa

Bảo Hải Linh Thông Tự ra đời đã làm giàu thêm giá trị và trải nghiệm cho điểm đến Ba Đèo. Giờ đây, sau khi lướt qua vịnh biển bao la trên cáp treo Nữ Hoàng, du khách sẽ bước vào một hành trình khám phá với những cung bậc cảm xúc bất tận. Đó là sự nối dài của hai nền văn hóa, tưởng rằng khác biệt, nhưng khi đặt chân đến rồi mới thấy đó là sự trải nghiệm tiếp nối vô cùng lý thú và khác lạ.

Không gian xanh tươi của Vườn Nhật với những tán hắc tùng vững chãi, hồ cá Koi trong veo từng đàn thảnh thơi bơi lội, cây cầu Koi đỏ chót cong cong đặc trưng xứ sở Phù Tang làm nên một không gian thiền định trong trẻo, tinh tế của đất nước Nhật Bản, kéo du khách đến với cung bậc bình yên đầu tiên, thoát khỏi bộn bề thực tại.
Và rồi khoan thai đi qua cây Cầu May nối dài bắt hai nhịp đồi xanh mướt, Bảo Linh Thông Tự lại mở ra sự khoáng đạt ở một tầng lớp khác. Đó là sự an nhiên của những đài sen xuất hiện khắp chốn, của những mái vòm cong cong đã trở thành ký ức yên bình thuở ấu thơ theo chân bà, chân mẹ lễ chùa cầu an dịp xuân về; là những ánh mắt từ bi hỷ xả chiếu độ xuống nhân thế; hay chỉ đơn giản là khoảng lặng dưới tán cây bồ đề xanh thẫm, nhìn nắng nhảy nhót trên khoảng sân rộng lát gạch đỏ, nghe tiếng chuông thỉnh lên từng hồi thật an lạc.

Sự kết nối hài hòa, uyển chuyển cả về mặt xúc cảm và không gian, kiến trúc, văn hóa của Vườn Nhật và Bảo Linh Thông Tự tại Sun World Halong Complex đã biến nơi đây thành điểm đến văn hóa- tâm linh mới ý nghĩa, để nhân dân, Phật tử quanh vùng thờ Phật và tu tập, để du khách về Quảng Ninh có thể tham quan, chiêm bái, phục vụ tốt cho nhu cầu của quốc gia, dân tộc và nhân dân Quảng Ninh, như lời Thượng tọa Thích Đạo Hiển đã khẳng định.