Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nước Anh yếu thế trong đàm phán Brexit

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) và nước Anh vừa khởi động cuộc đàm phán lịch sử về việc London rời EU (Brexit) vào ngày 19/6 vừa qua tại Brussels (Bỉ).

Sự kiện này diễn ra ở thời điểm Chính phủ Anh đang ở thế yếu sau cuộc bầu cử Quốc hội với tình trạng nội bộ chia rẽ, trong khi các quốc gia thành viên EU lại đoàn kết và đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian dài.
Các cuộc đàm phán được cho là sẽ cực kỳ phức tạp và dự kiến kết thúc vào tháng 3/2019. Bàn đàm phán lịch sử lần này không chỉ tác động mạnh tương lai nước Anh mà còn cả trật tự chính trị phương Tây, vốn có thể bị xáo trộn nghiêm trọng nếu cả hai không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
 Bộ trưởng phụ trách Brexit Davis Davis (trái) và nhà đàm phán chính của EU Michel Barnier tại Brussels. Ảnh: Europa
Tình hình chính trị tại Anh hiện đã rất khác so với cách đây một năm, thời điểm mà những người ủng hộ Brexit chiếm đa số tại Quốc hội. Trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, việc đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May mất đa số ghế khiến tình hình chính trị ở Anh càng thêm rối ren và bất ổn, đồng thời cũng gây bất lợi cho bà May trong tiến trình đàm phán Brexit. Sau khi kết quả cuộc bầu cử được công bố, đồng bảng Anh cũng sụt giảm mạnh trên thị trường tiền tệ. Trước đó, nền kinh tế nước này cũng đã ghi nhận sự chững lại trong những tháng đầu năm nay do sự mất giá của đồng Bảng, qua đó làm tăng tỉ lệ lạm phát lên cao, ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Điều này sẽ càng làm gia tăng các thách thức mà bà May phải đối mặt trong việc kiểm soát quá trình Brexit.
Trong khi đó, niềm tin của người dân trong khối EU đang ngày càng tăng cao. Phần lớn nền kinh tế khu vực châu Âu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan. Khi 52% số người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, nhiều người dân châu Âu đã thể hiện lo ngại về khả năng tồn tại của EU, vốn đã chật vật sau cuộc khủng hoảng kinh tế và bị chia rẽ bởi cuộc khủng hoảng người tị nạn từ Trung Đông. Tuy nhiên, việc ông Emmanuel Macron, một chính trị gia ủng hộ EU, đắc cử Tổng thống Pháp cũng như đảng của ông giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua đã phần nào khiến châu Âu trở nên lạc quan hơn.
Bên cạnh đó, EU hiện vẫn chưa nắm rõ những điều khoản mà người Anh muốn từ Brexit kể từ khi cuộc bầu cử Quốc hội tại nước này kết thúc. Theo tờ Guardian, điều này cũng gây ra những bất trắc mới và vẫn còn đó câu hỏi lớn về lập trường của London. Trong chiến dịch tranh cử của mình, Thủ tướng May luôn nhấn mạnh sẽ thực hiện tiến trình Brexit “cứng”, có nghĩa là không gia nhập thị trường chung và mạnh tay cắt giảm lượng người nhập cư. Tuy nhiên, một phương án Brexit "mềm", với việc Anh rời EU nhưng vẫn ở trong thị trường chung có khả năng sẽ được bà May tính tới sau thất bại của đảng Bảo thủ tại cuộc bầu cử Quốc hội.
Bên cạnh đó, vấn đề nhập cư cũng là một phần quan trọng trong đàm phán Brexit. Theo hãng tư vấn quốc tế RepGraph, kế hoạch hậu Brexit của Thủ tướng Theresa May nhằm cắt giảm người nhập cư sẽ gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế Anh. Nghiên cứu của RepGraph cho biết, việc từ chối hàng nghìn người nhập cư không chỉ làm mất đi một nguồn cung lao động quan trọng, mà còn làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt nhân lực hiện tại trong các lĩnh vực then chốt của nước này.
Quan chức hai bên đều nhận định cuộc đàm phán ngày 19/6 sẽ chưa thể mang lại kết quả rõ ràng. Phía châu Âu hi vọng rằng cuộc gặp mặt này cùng một cuộc họp thượng đỉnh diễn ra tại Brussels vào ngày 22/6 tới, nơi Thủ tướng May sẽ gặp gỡ các nguyên thủ châu Âu, sẽ giúp các bên gỡ bỏ những nút thắt.
Đại diện đàm phán của EU Michel Barnier hi vọng phía EU sẽ có được một thời gian biểu rõ ràng hơn về kế hoạch "ly dị" của Anh. Ông Barnier cho biết Anh và EU phải đạt được thỏa thuận về Brexit trước tháng 10/2018 để Quốc hội Anh có thời gian phê duyệt.