Nước cờ mới của EU

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) cùng 6 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Tây Balkan đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại Trieste (Italia) hôm 12/7 vừa qua để thảo luận về cơ hội hợp tác kinh tế cũng như triển vọng gia nhập EU của các quốc gia này.

Lãnh đạo các nước thành viên EU và các nước Tây Balkan tại Hội nghị ở Italia.

Tại cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo EU cùng 6 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Tây Balkan gồm Albania, Bosnia-Herzegovina, Kosovo, Macedonia, Montenegro và Serbia, Uỷ viên phụ trách vấn đề mở rộng EU - Johannes Hann cho biết, các bên đã nhất trí về kế hoạch do EU đề xuất về việc thành lập một vùng hợp tác kinh tế khu vực, cũng như thảo luận việc EU sẽ cung cấp cho Tây Balkans khoản viện trợ không hoàn lại vào khoảng 220 triệu Euro để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, hội nghị cũng cam kết khoản hỗ trợ 11,4 triệu Euro cho các dự án năng lượng và giao thông vận tải ở khu vực này.

Ý tưởng của EU về vùng hợp tác kinh tế được cho là một phần mở rộng của Thoả thuận thương mại tự do Trung Âu (CEFTA), trước đó được các nước Tây Balkans kí kết vào năm 2007 để tạo ra một thị trường chung trong khu vực, qua đó tạo đà chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi về việc gia nhập EU trong tương lai. Ông Hann tin tưởng thông qua các biện pháp huỷ bỏ rào cản thương mại và thuế quan, cải cách hệ thống pháp luật, các quốc gia khu vực Tây Balkans có thể gia tăng thu hút nguồn vốn đầu tư và tạo thêm 80,000 việc làm vào năm 2025.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ sự ủng hộ nhưng vẫn tỏ thái độ thận trọng về việc Tây Balkan xích lại gần hơn với EU: “Các thành viên EU cần chia sẻ nhiệm vụ hỗ trợ khu vực Tây Balkans phát triển, qua đó từng bước hướng tới mục tiêu gia nhập EU”.

Đồng tình với quan điểm này, Thủ tướng nước chủ nhà Italia - Paolo Gentiloni nhận định dù vẫn còn quá sớm để nói đến việc mở rộng EU, tuy nhiên phải “để ngỏ” như một khả năng cụ thể cho các ứng viên Albania, Bosnia-Herzegovina, Kosovo, Macedonia, Montenegro và Serbia. Bởi, ông Gentiloni cho rằng, tương lai của Tây Balkan vẫn nằm ở EU.

Hiện nay, quá trình mở rộng EU đã bị tạm hoãn cho đến năm 2019, trong bối cảnh khối này vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ cuộc khủng hoảng người nhập cư cho đến quá trình đàm phán Vương quốc Anh rời mái nhà chung châu Âu (Brexit). Vì thế, một khu vực kinh tế mới với Tây Balkan- khu vực còn nhiều dư địa để phát triển là một nước cờ mới đầy khôn ngoan của các nhà lãnh đạo EU. Toan tính này càng được khẳng định thông qua những phát biểu của các nhà lãnh đạo của “Lục địa già” tại hội nghị với những cam kết của EU đối với các nước thuộc khu vực Tây Balkan. Đây không phải mối quan hệ một chiều khi việc hỗ trợ phát triển kinh tế cho Tây Balkan sẽ mang lại sự ổn định về chính trị không chỉ cho khu vực này mà còn cả châu Âu, điều đã được bà Merkel nhấn mạnh khi nhắc đến liên kết không thể tách rời giữa 2 bên. Trước những khó khăn mà châu Âu đang phải đối mặt, Ngoại trưởng Macedonia - Nikola Dimitrov ngược lại khẳng định việc nước Anh rời EU vào năm 2019 sẽ mang lại cơ hội lớn cho châu Âu. Bởi, việc khu vực Tây Balkan mong muốn gia nhập EU là cơ hội để tổ chức này giành lại vị thế trên trường quốc tế. Đây là lúc để EU cho thấy sự khác biệt và tầm nhìn của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần