Động thái này được cho là "mồi lửa" châm ngòi cho cuộc đối đầu gay gắt giữa Tổng thống của đảng Dân chủ và Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát. Việc lần đầu tiên Tổng thống Obama dùng quyền hiến định để phủ quyết văn bản pháp luật được Quốc hội thông qua kể từ khi đảng Cộng hòa chính thức kiểm soát cơ quan lập pháp hồi tháng trước. Động thái này được dự báo sẽ là sự khởi đầu cho một loạt cuộc phủ quyết các dự luật mà Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát chuyển lên Nhà Trắng. Trước đó, cuộc đối đầu gay gắt giữa cơ quan lập pháp - hành pháp đã khiến ông Obama phải lên tiếng và đe dọa sẽ phủ quyết 13 dự luật do đảng Cộng hòa bảo trợ, bao gồm dự luật về việc rút lại Đạo luật chăm sóc y tế với chi phí hợp lý (Obamacare) và đảo ngược quyền hành pháp của ông đối với vấn đề nhập cư. Thật ra, trước khi Tổng thống Obama thực hiện bước đi mang tính chiến thuật này, nhiều nhà quan sát đã nhận định dự án dẫn dầu cát tar từ các mỏ ở Canada tới các nhà máy lọc dầu ở bờ biển phía Nam khó được chính phủ thông qua. Năm 2013, trong một bài phát biểu về biến đổi khí hậu tại Đại học Georgetown, ông Obama cho biết sẽ không chấp nhận dự án xây dựng đường ống Keystone XL bởi nó có thể làm trầm trọng hơn tình trạng ô nhiễm môi trường. Để chiết xuất dầu cát tar phải mất nhiều năng lượng hơn so với dầu thô thông thường và làm tăng đáng kể lượng khí carbon phát thải - đây cũng là lý do mà các nhà hoạt động môi trường của cả Mỹ và Canada phản đối dự án. Phản ứng trước diễn biến này, các nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đã lập tức khẳng định sẽ "chiến đấu đến cùng" để Nhà Trắng phải thông qua dự luật mà theo họ giúp tăng cường quan hệ làm ăn với Canada, đảm bảo sự đa dạng nguồn cung nhiên liệu cho nước Mỹ và tạo ra hàng ngàn việc làm. Tuy nhiên, hơn 2.300 ngày sau khi Quốc hội xem xét và thông qua, động thái của ông Obama được nhận định là nước cờ thông minh và đúng thời điểm. Giá dầu suy giảm, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hồi sinh và chỉ còn 21 tháng nữa sẽ tới cuộc bầu cử Tổng thống đã tạo nên bối cảnh thuận lợi để ông Obama tạo dấu ấn cho đảng Dân chủ bởi sự phản đối ngày càng gay gắt của dư luận với dự án này. Thực tế cho thấy, trái với quyết tâm "chiến đấu đến cùng" của các chính trị gia Cộng hòa, các nhà môi trường đã ủng hộ "hành động dũng cảm" của Tổng thống và cho rằng đây là một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Không những thế, ông Obama còn khéo léo dùng dự án này cho các cuộc "mặc cả" về sau khi Thư ký Báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, dự luật này vẫn chưa "chết" hoàn toàn. Tổng thống vẫn có thể phê chuẩn việc xây dựng đường ống khi Bộ Ngoại giao Mỹ hoàn tất đánh giá về những tác động môi trường của dự án. Vì thời gian biểu của kết luận chưa được đưa ra nên ông Obama hoàn toàn có thể sử dụng quyền thông qua dự luật này làm điều kiện để đảng Cộng hòa gỡ bỏ các rào cản với đạo luật Obamacare hay thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề nhập cư.