Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nước đang phát triển ngày càng đóng góp nhiều hơn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các nước đang phát triển tham gia tích cực hơn vào việc đóng góp vốn đồng nghĩa với việc đồng Nhân dân tệ và chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ có vị thế quan trọng hơn, kéo theo đó là sự suy giảm ảnh hưởng lâu đời của Mỹ và các nền kinh tế châu Âu.

Trong vòng 20 năm tới, tỷ trọng đóng góp các nước đang phát triển trong tổng vốn đầu tư toàn cầu sẽ tăng gấp ba lần mức hiện nay. Đây là kết quả của việc các nền kinh tế mới nổi đuổi kịp các nước giàu và tham gia nhiều hơn vào thị trường tài chính thế giới.

Trong báo cáo công bố ngày 16/5, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đến năm 2030, trong 1 USD đầu tư sẽ có 60 cent chảy vào các quốc gia đang phát triển, tăng vọt so với con số 20 xen của năm 2000. Ở chiều ngược lại, các nền kinh tế mới nổi với lực lượng lao động trẻ dồi dào cũng sẽ vươn lên trở thành nguồn đầu tư lớn nhất cho thị trường quốc tế, với Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đầu tàu.
 
Nước đang phát triển ngày càng đóng góp nhiều hơn - Ảnh 1
 
 
Ảnh minh họa.

Dự báo lượng đầu tư từ Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 30% đầu tư toàn cầu, trong khi tỷ lệ này đối với Mỹ và Ấn Độ lần lượt là 11% và 7%. Kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trung bình 2,6 - 3%/năm trong 2 thập kỷ tới, riêng các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng ở mức 4,8 - 5,6%/năm.

Sự chuyển hướng trong hoạt động tiết kiệm và đầu tư sẽ dẫn đến nhiều thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu, quyết định vị thế các đồng tiền quốc gia trong rổ tiền tệ quốc tế cũng như sự nổi lên của các trung tâm tài chính mới, luồng vốn đầu tư cũng như những lĩnh vực đầu tư ưu tiên.

Các nước đang phát triển tham gia tích cực hơn vào việc đóng góp vốn đồng nghĩa với việc đồng Nhân dân tệ và chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ có vị thế quan trọng hơn, kéo theo đó là sự suy giảm ảnh hưởng lâu đời của Mỹ và các nền kinh tế châu Âu. Một thế giới giàu có hơn vào năm 2030 cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu thị trường đối với các ngành dịch vụ, buộc các quốc gia sẽ phải hạn chế các hàng rào bảo hộ đối với ngành này.

Tuy nhiên, giới hoạch định chính sách của các quốc gia hiện nay vẫn chưa hoàn toàn nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề. Nhà kinh tế học Kaushik Basu của WB nhận định các chính phủ hiện nay vẫn chỉ tập trung lập ra các kế hoạch thời hạn 3-6 tháng thay vì tìm các hướng đi dài hạn.

Ông khuyến cáo các nước nên sớm quan tâm đến lĩnh vực tiết kiệm và đầu tư, các "đòn bẩy" chính đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tác giả báo cáo Maurizio Bussolo khuyến khích các chính phủ đầu tư hơn nữa cho ngành giáo dục, "chìa khóa" của sung túc, thu nhập, tiết kiệm và đầu tư cao.

Ông khẳng định vai trò quan trọng của các quốc gia đang phát triển đối với tương lai nền kinh tế thế giới, tuy nhiên để có thể phát huy vai trò của mình các nước này vẫn còn nhiều việc phải làm./.