Nước mắt nghệ nhân ngày vinh danh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 20 năm chờ đợi, cái ngày được gọi tên lên bục danh dự nhận tấm bằng Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) cũng đến với các “báu vật sống” của di sản văn hóa Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Lần đầu tiên cụm từ NNƯT được chính thức "xưng danh" với nghệ nhân đàn đáy Vũ Văn Hồng (Năm Hồng), nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Thị Khướu…

Cháu cõng bà đi nhận bằng danh hiệu

39 gương mặt nghệ nhân, mái đầu bạc trắng, lưng còng sát đất, nhưng vẫn lặn lôi từ Phú Xuyên, Thạch Thất, Thường Tín, Đông Anh… về Bảo tàng Hà Nội - nơi diễn ra lễ vinh danh NNƯT đầu tiên của Hà Nội - để được nghe thấy tên mình.
Nghệ nhân  Nguyễn Thị Vượn không thể tự bước trên thảm đỏ để đến nhận bằng NNƯT.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn không thể tự bước trên thảm đỏ để đến nhận bằng NNƯT.
Quãng đường 40 cây số quả là quá xa với hai chị em nghệ nhân ca trù ở Thôn Chanh, huyện Phú Xuyên là cụ Nguyễn Thị Vượn và Nguyễn Thị Khướu vì họ đã bước vào "ngưỡng 90" - cái tuổi "gần đất xa trời". Không thể thong thả từng bước chậm rãi trên đôi chân của mình như nhiều nghệ nhân khác, hai cụ phải nhờ cháu nội, cháu ngoại cõng trên lưng mới có thể vào hội trường để nhận tấm bằng NNƯT khắc tên mình. Đi một quãng đường xa, nhận tấm bằng mang tính tượng trưng ghi nhận cả đời cống hiến và truyền dạy ca trù cho các thế hệ qua hai thế kỷ, cụ Vượn, cụ Khướu vui mà không diễn tả được bằng lời. Cụ Khướu chỉ vẻn vẹn được một câu trong nỗi nghẹn ngào: “Nhận bằng công nhận rồi, ngày mai có khuất núi tôi cũng không nuối tiếc”. Cụ Nguyễn Thị Vượn thì tuy nặng tai, nhưng vẫn "thấm" lời Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn: Tôi mong rằng kỷ niệm Ngày di sản văn hóa năm 2016, Hà Nội đón thêm danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. “Với số tuổi sống ngày nay không biết ngày mai tổ tiên có gọi đi theo, tôi không dám nghĩ xa đến lễ vinh danh năm 2016, nhưng tôi vẫn mong chờ. Vì cả đời gảy đàn, ngân ca theo từng nhịp phách tôi đâu đòi hỏi tiền nong, mà chỉ muốn mọi người nhìn thấy sự cố gắng của mình” – nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn tâm sự.

38 nghệ nhân được nhận bằng NNƯT trong dịp này đều cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều nghệ nhân khác. Bởi chỉ cần sang gia đình cố nghệ nhân Vũ Văn Hồng cũng đã cảm nhận được những tủi hờn xen lẫn niềm vui. Ai ai cũng biết, chỉ 2 năm trước, đêm đêm người yêu tiếng đàn đáy vẫn chứng kiến ông cụ già đội khăn xếp, mặc áo dài đỏ nỉ non khúc đàn tại đình Kim Ngân (Hàng Bạc, Hà Nội). Thọ đến tuổi 95, nhưng tiếng đàn của nghệ nhân Vũ Văn Hồng vẫn còn lắm thiết tha với những âu lo khi mình chết, không còn ai chơi đàn, di sản ca trù sẽ đi vào quên lãng... Nhất là khi nhắm mắt, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NNƯT của ông vẫn phải chờ. Cố nghệ nhân Vũ Văn Hồng là trường hợp duy nhất của Hà Nội được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu NNƯT. Nhận bằng thay cha, ông Vũ Kim Điệp rơm rớm nước mắt chờ giây phút xong buổi lễ, mang tấm bằng về nhà đặt lên bàn thờ báo cáo với cố nghệ nhân Vũ Văn Hồng.

“Tiếp lửa” cống hiến

Là một trong những nghệ nhân trẻ tuổi được nhận danh hiệu NNƯT lần này, ca nương Phạm Thị Huệ cho biết: “Đáng lẽ ra danh hiệu này phải được trao cho các cụ từ lâu rồi. Nhiều cụ không chờ đợi được đã ra đi. Thế nhưng, muộn còn hơn không. Ít nhất những nghệ nhân già, nghệ nhân trẻ được nhận tấm bằng ghi nhận hôm nay đều cảm thấy phấn khởi. Người trẻ thì muốn ngày mai tiếp tục dốc sức để theo nghề. Người già muốn sống lâu hơn nữa để chứng kiến tình yêu của con cháu mình đối với di sản”. Ca nương Phạm Thị Huệ cho rằng để các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phát huy thì điều quan trọng nhất là Nhà nước phải hỗ trợ. “Phải làm sao để những người làm nghệ thuật dân gian có thể sống với nghề và tiếp tục truyền dạy. Còn lớp trẻ khi nhìn vào thấy họ có tương lai để sẵn sàng theo đuổi” – nghệ nhân Phạm Thị Huệ trăn trở.
Tiết mục hát chầu văn của Nghệ nhân Bùi Quốc Thi trong lễ kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam diễn ra ngày 19/11, tại Bảo tàng Hà Nội.	 Ảnh: Thanh Hải
Tiết mục hát chầu văn của Nghệ nhân Bùi Quốc Thi trong lễ kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam diễn ra ngày 19/11, tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Có 5 đời gắn bó với rối nước, ông Nguyễn Hữu Lương, nghệ nhân loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, múa rối nước ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất là người may mắn nhất trong dòng họ kịp nhận danh hiệu. Nhận tấm bằng trong niềm vui, ông Lương quan niệm, cho dù Nhà nước có hỗ trợ hay không nhưng với tâm huyết của mình, ông vẫn tích cực gắn bó với nghề múa rối nước và truyền nghề cho lớp trẻ.

Nhắc đến danh hiệu, chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân, những người yêu di sản văn hóa Việt đã từng phải nhỏ nước mắt nhìn cảnh đời của cố nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu, tiếc thương cho cố nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc… Và nhiều mảnh đời cô đơn nữa luôn bám trụ gìn giữ di sản mà cha ông để lại. Câu chuyện danh hiệu và chế độ đãi ngộ bàn tới bàn lui cho đến hôm nay vẫn chưa dứt. Tôn vinh, đãi ngộ bao nhiêu cũng là không đủ với tấm lòng, công sức các nghệ nhân chia sẻ cùng di sản. Không thể mãi nhìn về quá khứ, nuối tiếc những điều chưa làm được, chỉ có thể đón nhận niềm vui của ngày tôn vinh và hy vọng rằng ngày mai sẽ có nhiều nghệ nhân đang âm thầm gìn giữ được gọi tên, thế hệ mai sau sẽ hiểu hơn, "chia ngọt sẻ bùi” cùng nghệ nhân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần