Nước Mỹ sẽ giống Ấn Độ những năm 1950 nếu ông Trump làm Tổng thống

Lan Hương (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà nghiên cứu nhận định, nếu các chính sách kinh tế bảo hộ của Donald Trump thành hiện thực, nền kinh tế Mỹ sẽ giống Ấn Độ những năm 1950.

Donald Trump có thể sẽ không có cơ hội trở thành Tổng thống và đưa ý tưởng bảo hộ nền kinh tế trong nước của mình vào hiện thực. Tuy nhiên, nhà phân tích kinh tế của hãng Bloomberg chỉ ra, nếu các chính sách này được áp dụng, nền kinh tế Mỹ sẽ giống Ấn Độ những năm 1950.
Ngày càng nhiều công nhân tin rằng, thương mại tự do sẽ cướp mất công việc của họ và nền kinh tế Mỹ sẽ tốt hơn nếu có nhiều sản phẩm sản xuất tại Mỹ hơn là Trung Quốc và Mexico. Nhiều sản phẩm được sản xuất trong nước có nghĩa là thêm nhiều việc làm cho người Mỹ và tỷ lệ thâm hụt thương mại nhỏ hơn với thế giới.
 Chính sách của ông Trump đang gây tranh cãi.
Vấn đề là, lúc đó, nước Mỹ sẽ giống như Ấn Độ. Michael Schuman, biên tập viên kinh tế của Bloomberg nhấn mạnh, ông không đề cập đến Ấn Độ hiện nay, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới, mà Ấn Độ khi vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, trình độ công nghệ thấp kém và người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn. Xe ô tô chạy ầm ầm trên phố là các mẫu từ những năm 1950 và kém chất lượng. 
Một trong những vấn đề mà Ấn Độ gặp phải thời điểm đó, giống như các nền kinh tế mới nổi, là thái độ nghi ngại sâu sắc với thương mại tự do. Theo ông Schuman, ảnh hưởng bởi tâm lý chống thuộc địa, các lãnh đạo trong thời kỳ 1950 - 1960 bị thuyết phục rằng, nền kinh tế thế giới - thống trị bởi các nước châu Âu đã từng đô hộ quốc gia này - là nhằm chống lại các nước nghèo. Họ cho rằng, cách duy nhất để phát triển công nghiệp hiện đại và giảm nghèo là tách ra khỏi hệ thống trao đổi quốc tế.
Các chính sách này đã thất bại. Người tiêu dùng phải tiêu thụ các sản phẩm mà nhà máy địa phương sản xuất. Narayana Murthy - nhà sáng lập dịch vụ công nghệ thông tin Infosys khổng lồ - cho rằng, ông đã mất quá nhiều thời gian để được cấp phép nhập khẩu máy tính trong năm 1980 và do thời gian quá lâu, các mô hình đều đã lạc hậu.
Với nền sản xuất không đủ sức cạnh tranh, Ấn Độ cũng không thể xuất khẩu và tận dụng nhu cầu ở các nước giàu có như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác trong khu vực để tăng thu nhập.
Nền kinh tế Mỹ rõ ràng là ở trình độ cao hơn nhiều so với Ấn Độ vào những năm 1950 nhưng các chính sách của ông Trump như bỏ các hiệp ước thương mại, áp đặt mức thuế cao hơn với hàng nhập khẩu, tăng thuế đối với các công ty đưa dây chuyền sản xuất ra nước ngoài - về bản chất là giống chính sách thay thế nhập khẩu của Ấn Độ và sẽ có tác dụng tương tự.
Các sản phẩm của nước ngoài sẽ trở nên tốn kém, giảm bớt sự lựa chọn của người tiêu dùng. Các nhà máy trong nước được bảo hộ sẽ có ít động lực để đầu tư vào đổi mới công nghệ và chất lượng và gặp khó khăn khi cạnh tranh trong thị trường toàn cầu.
Ý kiến cho rằng các chính sách của ông Trump sẽ mang đến nhiều việc làm và thu nhập tăng cao là chưa đủ thuyết phục. Không thể xuất khẩu, và buộc phải bán lại sản phẩm trong nước với giá cao hơn, các nhà máy sẽ yêu cầu lực lượng lao động nhỏ để đáp ứng nhu cầu ngày càng thu hẹp hoặc sẽ đầu tư mạnh vào tự động hóa để giảm chi phí, cắt bớt nhân công.
Như vậ, chính sách thương mại của ông Trump sẽ khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái và hàng triệu người Mỹ mất việc. Cuối cùng, chính sách này sẽ cô lập ngành công nghiệp Mỹ khỏi các xu hướng thúc đẩy sự tiến bộ kinh tế toàn cầu. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần