Nước Mỹ tiếp tục bị chia rẽ vì kiểm lại phiếu bầu Tổng thống

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc kiểm phiếu lại này được đánh giá là khó mang lại kết quả đảo ngược cho bà Hillary Clinton, nhưng sẽ tác động sâu sắc đến chính trường Mỹ.

Bang Wisconsin trong tuần này sẽ bắt đầu quá trình kiểm lại phiếu bầu trong ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 8/11 theo yêu cầu của ứng viên Đảng Xanh Jill Stein.
Trước đó, các chuyên gia máy tính đã chỉ ra những dấu hiệu bất thường trong quá trình bỏ phiếu, như trục trặc với các máy bầu cử. Ở một số hạt của bang Wisconsin, số phiếu bầu được ghi nhận cao hơn so với số cử tri đăng ký đi bỏ phiếu.
 Cuộc bầu cử Mỹ đang bị chìm trong các nghi vấn.
Bà Stein khẳng định, động thái này không nhằm vào Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mà để củng cố tính liêm chính của hệ thống bầu cử Mỹ. Kể từ khi công bố chiến dịch kiểm lại phiếu, bà Stein đã huy động được hơn 5 triệu USD tiền ủng hộ. Trong trường hợp các đề nghị của bà bị từ chối, bà Stein cho biết sẽ dùng số tiền này để thúc đẩy cải cách hệ thống bầu cử.
Nếu cuộc kiểm phiếu lại tại bang Wisconsin cho thấy, chiến thắng thuộc về ứng viên đảng Dân chủ Clinton thay vì ông Donald Trump như ban đầu, bà Clinton sẽ nhận được 10 phiếu đại cử tri, nâng tổng số phiếu đại cử tri lên 242 phiếu, trong khi ông Trump nắm giữ 280 phiếu. Như vậy, ông Trump vẫn là Tổng thống đắc cử của Mỹ, do có trong tay nhiều hơn 270 phiếu đại cử tri tối thiểu. Tuy nhiên, bà Stein khẳng định sẽ kiến nghị kiểm phiếu lại ở 2 bang chiến trường khác là Michigan và Pennsylvania. Và nếu giành thêm được 36 phiếu đại cử tri ở 2 bang Michigan (16 phiếu) và Pennsylvania (20 phiếu), bà Clinton hoàn toàn có thể lật ngược thế cờ.
Mặc dù vậy, nhà báo Joshua A. Douglas của CNN nhận định, khả năng bà Clinton có thể giành lại chiến thắng là rất ít, bởi tỷ lệ dẫn trước của ông Trump tại 3 bang chiến trường lên tới hàng chục nghìn phiếu. Cũng theo nhà bình luận này, trong 15 năm qua, chỉ có 3 cuộc kiểm phiếu lại ở các bang mang lại kết quả trái ngược.
"Điều quan trọng là tính chính danh của cuộc bầu cử đã bị tổn hại bởi những nghi vấn", ông Doughlas nhấn mạnh. Rốt cuộc, dù cho chiến thắng thuộc về bà Clinton hay ông Trump, sự kiện này có thể châm ngòi cho những hành động khiếu nại kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn trong xã hội Mỹ vốn đang rạn nứt sâu sắc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần