Thông tin về ca sinh non đặc biệt này, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, mẹ bé, chị L.T. T. (32 tuổi, Thanh Hóa) có tiền sử sản khoa nặng nề, từng sảy thai và sinh non nhiều lần, lần mang thai này là lần thứ 7. Trong thai kỳ, chị T. bị tiền sản giật nặng, thai nhi có tình trạng suy dinh dưỡng trong tử cung, cạn ối.
Từ tuần thai 21, các bác sĩ đã chỉ định truyền ối cứu thai nhi. Đến tuần 26, tình trạng tiền sản giật của người mẹ ngày càng nặng nề, thai nhi đối diện nguy cơ mất tim thai nên gia đình có nguyện vọng đình chỉ thai nghén với mục đích chính là cứu người mẹ.
Để chuẩn bị cho em bé ra khỏi bụng mẹ, mọi thứ đều được chuẩn bị tốt, bác sĩ sơ sinh sẵn sàng đón bé, máy thở cũng được chuẩn bị sẵn. Sản phụ được gây chuyển dạ sinh thường và em bé được sinh ra trong 1 hình hài nhỏ xíu, chỉ nặng 400g.
Trong quá trình hồi sức sơ sinh ngay tại phòng sinh, các bác sĩ đã giải thích với gia đình để xác định tâm lý rằng em bé khó có thể qua khỏi. Sau khi được bóp bóng hồi sức tích cực 20 phút, da bé đã hồng hơn, bé có phản xạ tay chân, mở mắt.
Từ khoảnh khắc ấy, các bác sĩ hiểu rằng, bằng mọi cách phải cứu sống chiến binh nhỏ này, đảm bảo nuôi dưỡng để cải thiện cân nặng, điều trị bệnh lý cho bé. Bé nhanh chóng được chuyển về khoa Sơ sinh nằm lồng ấp, một cuộc hành trình bền bỉ bắt đầu.
Về hô hấp, rất may con không cần thở máy xâm nhập mà chỉ cần thở CPAP 1.5 tháng rồi chuyển thở oxy. Thông thường trẻ sinh non ở tuần thai 26 có cân nặng khoảng 600-700g, tuy nhiên, con bị suy dinh dưỡng chỉ nặng 400g, lọt thỏm trong lòng bàn tay của các bác sĩ.
Với một cơ thể quá bé như vậy, việc lấy ven vô cùng khó khăn nên con được truyền dịch nuôi dưỡng bằng kỹ thuật longline, đặt tĩnh mạch rốn và động mạch rốn để thuận tiện cho việc xét nghiệm.
Trong quá trình điều trị, có lần con bị nhiễm khuẩn nặng, phải điều trị 1 đợt kháng sinh. Rất may mắn, con đáp ứng thuốc và qua được giai đoạn nhiễm khuẩn nặng nhất. Trẻ sinh non thường có tình trạng thiếu máu nên con được truyền máu định kỳ 3 tuần/lần.
Được các bác sĩ, các cô điều dưỡng, hộ sinh tận tình chăm sóc, cứ thế tiếp nối mỗi ngày, tình trạng sức khỏe của con được cải thiện dần. Là thành viên nhẹ cân nhất trong ngôi nhà sinh non, con được điều trị đặc biệt trong một môi trường an toàn với điều kiện chăm sóc gần nhất với cơ thể của người mẹ, từ nhiệt độ, độ ẩm đến ánh sáng, âm thanh.
2 tháng sau, cân nặng tăng lên 1.200g, khi tình hình sức khỏe ổn định khá tốt về mọi mặt, con được chuyển ra ngoài để được ấp Kangaroo với mẹ như các em bé khác. Từ ngày được cảm nhận hơi ấm, tình yêu thương trong vòng tay mẹ, con phát triển rất nhanh và ổn định.
Sau 4 tháng điều trị, bé gái ngày nào còn thoi thóp trong lồng ấp, nay đã phát triển bình thường với cân nặng 2,1kg và có thể tự bú mẹ.
Quả là một hành trình kỳ diệu đưa em đến với thế giới này. Đây là trường hợp em bé non tháng có cân nặng nhỏ nhất tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội được cứu sống. Để có được cuộc lội dòng ngoạn mục đó chính là những tháng ngày chiến đấu thầm lặng với biết bao cố gắng, kiên nhẫn, bền bỉ của các bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Sơ sinh.