Tiên Phương là một trong hai xã chủ lực về NTTS của huyện Chương Mỹ với trên 80ha. Thế nhưng, từ hàng chục năm nay, người nông dân ở đây vẫn chủ yếu tự mình mày mò cách nuôi trồng, chăm sóc. Điều đáng nói là năm nào các hộ NTTS cũng phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh trên đàn cá và ngậm ngùi vớt hàng tạ, hàng tấn cá chết bỏ đi. Ông Tống Quang Sáu, thôn Đồng Nanh có 3 mẫu ao cho biết, cứ vào tháng 2 - 3 là dịch bệnh xảy ra trên cá trắm, tháng 9 - 10 đến lượt cá mè. "Tháng 3/2011, nhà tôi bị chết 3 tạ cá nhưng không biết chính xác là bệnh gì để chữa. Theo một số người mách, vợ chồng tôi mang vôi ra vãi song cũng không ăn thua" - ông Sáu ngao ngán.
Tương tự, hộ anh Vũ Huy Kiên, thôn Quyết Tiến, xã Tiên Phương mặc dù có "thâm niên" gần 20 năm nuôi cá nhưng vẫn không tránh khỏi thiệt hại do dịch bệnh hàng năm. Với diện tích 2 mẫu ao, mỗi vụ anh Kiên thả 4 tạ cá giống trắm, trôi, mè nhưng đợt dịch tháng 3/2011 đã làm chết tới hơn 2 tạ. Ông Vũ Văn Doãn, Chủ tịch UBND xã Tiên Phương cho biết: Nhiều năm nay, năm nào diện tích NTTS của xã cũng xảy ra dịch bệnh, gây thiệt hại lớn cho người dân nhưng không rõ cụ thể là bệnh gì vì chưa có cán bộ chuyên trách về thủy sản.
Không riêng gì xã Tiên Phương, rất nhiều vùng NTTS khác trên địa bàn Hà Nội như Ba Vì, Ứng Hòa, Thanh Oai, Thanh Trì… cũng đang gặp phải khó khăn trên. Là một trong những vùng trọng điểm hàng đầu về NTTS của thành phố với diện tích hơn 2.400ha, song đến nay huyện Ứng Hòa cũng chưa có một cán bộ chuyên trách nào về lĩnh vực này. Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa cho biết: Do "trống" cán bộ hướng dẫn, người nông dân gặp khó khăn trong việc nắm bắt kỹ thuật chọn giống, chăm sóc… ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng nuôi trồng.
Còn nhớ đợt rét đầu năm 2011, hàng trăm tấn cá của người nông dân ở các huyện Thanh Trì, Mê Linh… bị chết rét. Ngoài lý do thời tiết, còn nguyên nhân khác là người dân thả quá nhiều loại cá chịu rét kém vào vụ Đông (cá chim, rô phi…) trong khi lượng nước trong ao không đủ. Nếu có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chắc chắn thiệt hại sẽ được giảm bớt.
Đồng hành với người dân
Toàn thành phố có trên 30.000ha diện tích mặt nước nhưng hiện mới đưa vào NTTS được khoảng 20.000ha, năng suất bình quân 3 tấn/ha/năm (trong khi nhiều tỉnh đạt 8 - 9 tấn/ha). Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản Hà Nội, hiện nay người nông dân vẫn làm theo cảm tính, kinh nghiệm là chủ yếu, còn kiến thức chăm sóc, quản lý môi trường nước để phòng trừ dịch bệnh hầu như chưa có. Thực tế đó đang đặt ra yêu cầu bức thiết phải bố trí cán bộ chuyên trách về thủy sản cho các địa phương. Ông Tống Quang Sáu, thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, Chương Mỹ chia sẻ: "Có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc, kiểm tra mẫu nước, quản lý dịch bệnh thì chúng tôi không phải mò mẫm nữa".
Hiện tại, các xã không thể tự bố trí cán bộ thủy sản bởi ngân sách không cho phép để trả lương, phụ cấp… Do đó, cần phải có chủ trương từ thành phố xuống tới huyện, xã. Nhiều ý kiến cho rằng nên ưu tiên bố trí cán bộ cho các vùng chuyên canh thủy sản, trước mắt có thể bố trí một cán bộ phụ trách 4 - 5 xã trong vùng. Tại hội nghị chuyên đề về thú y thủy sản được tổ chức đầu năm 2011, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng nhận định, mối lo lớn nhất của ngành thủy sản hiện nay là hệ thống quản lý dịch bệnh thiếu thống nhất, cán bộ chuyên trách về thủy sản còn mỏng. Do vậy, cần tăng cường bộ máy quản lý và bố trí nhân sự phù hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất./.
Theo Qui hoạch phát triển NTTS giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến năm 2020, phấn đấu diện tích NTTS năm 2015 đạt 23.000ha, sản lượng 115.000 tấn. Đến năm 2020 diện tích NTTS đạt 24.000ha, sản lượng 132.000 tấn. |