Bỏng cồn do nướng mực, nguy cơ để lại di chứng nặng nề
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh một người đàn ông đang nướng mực bằng cồn, bất ngờ ngọn lửa cháy lan sang cháu nhỏ ngồi cách đó 2m. Lửa bén vào người, trong phút chốc, trẻ bị lửa đỏ quấn quanh người. Gia đình hốt hoảng, vội vã bế em bé rời đi tìm cách sơ cứu.
Việc bỏng cồn khi nướng thực phẩm, phổ biến là nướng mực, cá khô… không phải hiếm gặp. Thực tế đã có những câu chuyện thương tâm xảy ra khi nướng mực bằng cồn. Nhiều nạn nhân bỏng nặng phải nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng.
Theo các bác sĩ Khoa Điều trị bỏng người lớn, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội), hầu hết ca bỏng cồn nhập viện đều do nướng mực. Tai nạn bỏng cồn rải rác quanh năm, nhưng thường gặp nhiều nhất vào mùa Hè.
Nhiều nạn nhân khi thấy ngọn lửa bùng lên bất ngờ vung tay, vung chân theo phản xạ khiến cho lửa bắt vào quần áo càng gây cháy nhiều hơn. Chỉ cần một tích tắc sơ ý, người sử dụng cồn để nướng thức ăn có thể đánh đổi bằng cả mạng sống của chính mình.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Nam Giang - Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, các ca bỏng cồn đơn vị tiếp nhận hầu hết đều sử dụng loại cồn 90 độ đóng chai. Các loại cồn khô, cồn thạch nấu bằng bếp cháy không mạnh, không bị bùng lên nên hiếm khi gây tai nạn bỏng. Đặc thù của bệnh nhân bị bỏng cồn là thường bỏng ở những vùng nhạy cảm như ngực, chân, tay và mặt. Đây là những vị trí ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ sau này.
Việc điều trị cho bệnh nhân bị bỏng do cồn cũng rất phức tạp, phác đồ điều trị phụ thuộc vào diện tích và độ sâu của tổn thương bỏng. Trong trường hợp bỏng sâu, phải mổ cắt hoại tử và ghép da, thời gian điều trị có thể kéo dài vài tháng. Bệnh nhân bỏng lửa cồn có thể bị nhiễm độc, bỏng hô hấp gây nguy hiểm tới tính mạng.
Sử dụng biện pháp nướng an toàn
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm cho biết, mực, cá khô là đồ dễ bảo quản, dễ chế biến thành món ăn trên bàn nhậu. Cùng với đó, thói quen dùng cồn nướng mực của người dân có thể bắt nguồn từ suy nghĩ nướng bằng cồn ngon hơn và không độc so với nướng bằng bếp than, bếp điện, bếp gas.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên nhân chủ yếu của bỏng lửa cồn là do sự chủ quan của người nướng. Khi nướng mực bằng cồn, không ít người mắc sai lầm là rưới cồn trực tiếp lên mực rồi đốt hoặc cho mực vào thẳng chảo cồn đang cháy. Mặc dù cồn với nồng độ ethanol 90% thì 10% còn lại là nước và phụ gia khác nên dễ bị ngấm ngược vào mực.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên bỏ thói quen sử dụng cồn y tế để nướng mực, cá khô hoặc các đồ ăn khác vì rất nguy hiểm, chỉ sơ suất trong phút chốc có thể xảy ra tai nạn bỏng. Thay vào đó, có thể sử dụng các biện pháp nướng an toàn hơn như nướng ở lò vi sóng, bếp than, bếp gas, nồi chiên không dầu...
Trong trường hợp bị bỏng, người dân cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng; cắt bỏ quần áo ở vùng vết thương bị bỏng; ngâm vùng bị thương trong nước mát sạch từ 15 - 20 phút; sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc cơ sở y tế chuyên khoa bỏng càng sớm càng tốt.
Người dân tuyệt đối không làm theo các mẹo chữa bỏng được lan truyền như bôi nước mắm, kem đánh răng, mỡ trăn... hoặc sử dụng các loại lá cây, thuốc đông y không rõ nguồn gốc đắp lên vết bỏng, sẽ khiến tổn thương nặng thêm. Thậm chí có trường hợp biến chứng dẫn tới tử vong khi dùng thuốc lá không rõ nguồn gốc để chữa bỏng.