Hệ lụy trực tiếp nhất của ánh sáng trong đô thị là che khuất bầu trời đêm, làm lu mờ trăng sao và làm thay đổi nhịp sống sinh học của tất cả các hệ sinh thái trong môi trường đô thị.
Vì thế, ánh sáng trong đô thị có tác động hai mặt của nó, đưa lại nhiều hiệu ứng tích cực cho cuộc sống của con người, nhưng cũng để lại hậu quả tai hại. Khái niệm "ô nhiễm ánh sáng đô thị" có nguồn gốc từ đó. Năm 2007, tổ chức UNESCO của Liên Hợp quốc đã quy định con người có quyền "nhìn thấy bầu trời ban đêm". Tuy nhiên ô nhiễm ánh sáng đô thị đã trở thành trở ngại lớn đối với việc thực hiện và đáp ứng quyền này.
Thủ đô Viên của nước Áo là đô thị đầu tiên trên thế giới cho tiến hành nghiên cứu khoa học bài bản và có hệ thống về thực trạng và tác động của ô nhiễm ánh sáng đô thị. Các nhà khoa học đã sử dụng thiết bị bay được điều khiển từ xa để thu thập thông tin đồng thời từ 220 hướng khác nhau về ánh sáng ở Viên trong đêm.
Kết quả là một phần ba ánh sáng trong đêm ở thành phố này là từ các cửa hàng và biển quảng cáo, một phần ba từ chiếu sáng công cộng và một phần ba còn lại là từ các cột sáng chiếu hắt lên các tượng đài, công trình công cộng và di tích.
Cũng từ đó, các nhà khoa học cho rằng cần phải có cách tiếp cận khác hợp lý hơn để giảm mức độ ô nhiễm ánh sáng trong đô thị. Chẳng hạn như các cửa hàng và biển hiệu quảng cáo không cần phải chiếu sáng suốt cả đêm. Cả các cột sáng chiếu rọi hắt cho các tượng đài, di tích và công trình công cộng cũng vậy vì chỉ có 2% ánh sáng chiếu rọi vào cái cần phải chiếu rọi, 98% chiếu thẳng lên trời.
Từ nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viên, có thể thấy giảm ô nhiễm ánh sáng đô thị thật sự lợi đơn lợi kép.