Trong một báo cáo vừa được công bố vào tuần trước, các nhà nghiên cứu của Đại học California tại Los Angeles đã sử dụng một mô hình dịch tễ học mới để kiểm tra tác động của việc phơi nhiễm bụi PM2.5 do cháy rừng hàng loạt giai đoạn 2008 - 2018.
Nghiên cứu chỉ ra rằng có hơn 50.000 ca tử vong sớm do tiếp xúc với các hạt bụi từ cháy rừng và ít nhất 432 tỷ USD chi phí y tế điều trị liên quan đến việc phơi nhiễm.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy cháy rừng là nguyên nhân gây ra nhiều cái chết hơn và tác động kinh tế lớn hơn so với các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra, tờ Sputnik dẫn kết quả nghiên cứu cho biết.
Cháy rừng tạo ra khói chứa PM2.5, những hạt bụi nhỏ với kích thước dưới 2,5 micromet), có thể bám sâu vào phổi cũng như xâm nhập vào máu. Các hạt này có thể dẫn đến suy giảm tình trạng sức khỏe, gây ra các bệnh về hô hấp và gây tử vong sớm.
Theo Bộ Y tế bang New York, việc tiếp xúc với bụi PM2.5 cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, hen suyễn và trẻ sinh nhẹ cân.
Bang California thường xuyên chứng kiến nhiều vụ hỏa hoạn kinh hoàng trong những năm gần đây. Thảm họa cháy rừng tại California vào năm 2018 đã phá hủy hơn 17.000 ngôi nhà, 700 công trình thương mại và 5.800 công trình kiến trúc nhỏ.
Bên cạnh đó, phần lớn bang California và các khu vực khác ở miền Tây nước Mỹ cũng đối mặt với các đợt nắng nóng oi bức kỷ lục.
Các chuyên gia và nhà khoa học cho rằng cường độ cháy rừng ngày càng gia tăng là do các chính sách quản lý rừng và phòng cháy chữa cháy chưa đúng cách, nhiệt độ nóng hơn và khô hơn trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu.
Bà Rachel Connolly, tác giả của báo cáo, nói rằng những phát hiện của nghiên cứu này cho thấy xã hội cần đầu tư vào quản lý rừng, quang cảnh đô thị và giảm thiểu biến đổi khí hậu để mang lại lợi ích sức khỏe cộng đồng.