Ô nhiễm tiếng ồn và câu chuyện ý thức

Phạm Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếng còi xe inh ỏi, tiếng nhạc, âm thanh khuyến mại được tăng công suất bằng những chiếc loa thùng, tiếng kèn đám hiếu xen lẫn trong các khu dân cư đông đúc… đang là thứ âm thanh không dễ chịu tồn tại ở những khu đô thị như Hà Nội. Sự ồn ào bất đắc dĩ này được xem là mối nguy hại đến sức khỏe và nét văn minh TP.

 Đường Trường Chinh giờ cao điểm các phương tiện đứng “chôn chân” thi nhau tuýt còi xin vượt. Ảnh: Phạm Quý
Mất ăn, mất ngủ vì ồn
Tại một số tuyến đường luôn có lưu lượng phương tiện giao thông lớn vào các giờ cao điểm như Đường Láng, Trần Duy Hưng, Trường Chinh, Phạm Hùng (đoạn Bến xe Mỹ Đình) hay Hoàng Quốc Việt, tiếng ồn được phát ra từ các động cơ xe, đặc biệt là tiếng còi của xe tải, xe khách gây khó chịu cho người đi đường. Bất chấp biển báo cấm bấm còi, nhiều chủ xe vì muốn chen lấn, len lỏi ra khỏi dòng đường đang tắc ứ nên vẫn bấm còi inh ỏi khiến các chủ phương tiện bên cạnh phải giật mình hoặc lắc đầu khó chịu vì những hành động vô ý thức. Chị Hoàng Thị Thu trú tại đường Lê Đức Thọ chia sẻ: “Hàng ngày, tôi thường xuyên phải sử dụng xe máy đi làm và đón con. Tuy nhiên, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng vì đủ thứ âm thanh, bụi đường và cả sự tắc nghẽn”.

Không chỉ vậy, thực tế, người dân Thủ đô hiện nay đang phải chịu đựng nhiều loại tiếng ồn khác nhau, xuất phát từ quá trình đô thị hóa. Trong đó, phải kể đến là tiếng ồn phát ra từ các loại máy móc tại các công trường xây dựng. Ông Nguyễn Văn Vũ, trú tại Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy cho biết, gần nhà ông có công trình nhà cao tầng được xây dựng. Hàng ngày, nhất là ban đêm, người dân xung quanh phải “đau đầu nhức óc” chịu đựng tiếng máy ủi, máy xúc, máy khoan hay máy trộn bê tông và búa hơi nện sàn. "Vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ vì tiếng ồn" - ông Vũ chia sẻ.

Ngoài ra, giữa trung tâm nội đô, nhưng các siêu thị điện máy vẫn chĩa loa thùng quảng cáo thông tin sản phẩm về phía người đi đường. Rồi cùng với hàng quán vỉa hè tấp nập trên phố Trúc Bạch, Lê Văn Lương là những tiếng nhạc dạo xin tiền của những nghệ sĩ không chuyên. Không chỉ có vậy, thậm chí tại những khu vực công cộng như bến xe, cổng công viên hiện tượng người dân bị tra tấn bằng những bản nhạc sàn công suất lớn diễn ra khá phổ biến. Đủ thứ âm thanh hỗn tạp đang hàng ngày tấn công Hà Nội.

Vẫn chờ vào ý thức

Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính trên địa bàn Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 - 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 - 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3 - 75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10 - 20 dBA).
Trong khi đó, nếu tiếng ồn vượt quá mức cho phép, con người sẽ suy giảm hiệu suất làm việc, nhất là đối với lao động trí óc. Nguy hiểm hơn, tiếng ồn nếu đạt ngưỡng từ 90 dBA trở lên sẽ làm ảnh hưởng xấu tới tim mạch, huyết áp, dạ dày, gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác và làm suy nhược thần kinh một cách nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy, để hạn chế tiếng ồn là điều không khó, cụ thể phải kể đến những phương pháp như: Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường giao thông công cộng, siết chặt các hoạt động quảng cáo trá hình, trồng thêm cây xanh để đảm bảo không khí yên tĩnh, trong lành cho TP. Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước cần có những quy định xử phạt hành chính rõ ràng đối với các tổ chức, cá nhân gây ra tiếng ồn trong khu dân cư, khu tập thể…

Xưa nay, việc sống chung với tiếng ồn vốn vẫn là điều khó tránh đối với người dân Thủ đô. Tuy nhiên, để người đô thị không thấy mệt mỏi vì tiếng ồn, cần sự chung tay của cả cộng đồng và ý thức tự giác của mỗi người. Từ đó từng bước góp phần cải thiện được không gian văn minh của TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần