Ðẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ðể góp phần tạo nguồn vốn xây dựng các công trình trọng điểm và thực hiện chương trình nông thôn mới, năm 2012, TP Hà Nội đặt mục tiêu thu ngân sách khoảng 2.500 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên cho đến nay, mới chỉ có 15 quận, huyện tổ chức đấu giá thành công hơn ba ha đất, thu về gần 445 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch đề ra.

Xã Ðại Thắng được huyện Phú Xuyên chọn làm đơn vị điểm xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu phấn đấu năm 2012 cơ bản hoàn thành bộ tiêu chí. Công tác lập quy hoạch và xây dựng đề án nông thôn mới của xã có nhiều điểm thuận lợi như việc dồn điền đổi thửa, phân loại đất gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã hoàn thành năm 2011; người dân đồng tình ủng hộ và tự giác tham gia.
 
Ðẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất - Ảnh 1
 
Khu đất đấu giá tại xã Xuân Ðỉnh, huyện Từ Liêm.
 
Ðại Thắng là đơn vị dẫn đầu huyện trong cơ giới hóa nông nghiệp, triển khai chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao... Vì thế, chỉ sau hơn một năm được UBND huyện phê duyệt đề án (tháng 8-2011), cho đến nay Ðại Thắng đã thực hiện được 12/19 tiêu chí, hoàn thành xây dựng các công trình hạ tầng văn hóa, giáo dục, chợ... Cơ cấu kinh tế địa phương có chuyển biến. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đạt 73%, nông nghiệp 27%; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 11,5% đã giảm xuống chỉ còn 2,9% trong năm 2012...
 
Tuy nhiên, theo Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Ðại Thắng Nguyễn Ðức Soát cho biết, mục tiêu hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2012 rất khó thực hiện do nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất đạt thấp, dẫn đến tiến độ nhiều dự án đầu tư phát triển sản xuất, giao thông, thủy lợi nội đồng... chậm trễ. UBND xã đang đề nghị UBND huyện đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất đối với các dự án đã có quyết định thu hồi đất trên địa bàn để địa phương có nguồn vốn thực hiện các công trình trọng điểm năm 2012.

Ðại diện lãnh đạo UBND huyện Phú Xuyên cho biết, năm 2012 huyện dự kiến huy động 200 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng đến hết quý III mới thu được hơn 12 tỷ đồng. Một số dự án đã mở bán hồ sơ nhưng không thành công, do chỉ có từ một đến hai người tham gia. Còn đối với những dự án đất đấu giá diện tích dưới 5.000 m2, có vị trí đẹp, đã được thành phố phê duyệt, thì đang gặp vướng mắc về trình tự, thủ tục thu hồi đất, việc thỏa thuận đầu tư, phê duyệt chỉ giới đường đỏ. Hoặc khi đã có mặt bằng sạch thì huyện lại gặp khó khăn về kinh phí đầu tư hạ tầng khu đất đấu giá... Từ nay đến cuối năm, huyện coi việc đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng với tình hình thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay thì mục tiêu này rất khó thực hiện.

Tại huyện Từ Liêm, từ năm 2008, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định thu hồi gần 3.000 m2 đất nhỏ lẻ, xen kẹt trong khu dân cư xã Xuân Ðỉnh để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đấu giá quyền sử dụng đất làm nhà ở, nhưng cho đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành. Lý do chậm trễ là do còn chín hộ dân không hợp tác với chính quyền trong việc kiểm đếm tài sản trên đất nông nghiệp, không nhận tiền hỗ trợ hoa màu theo quy định. Trong đó, có một số người dân từ địa bàn khác đã mua đất nông nghiệp trái phép, cho nên không dám đứng ra nhận tiền hỗ trợ.
 
Ðầu năm 2011, UBND huyện Từ Liêm đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp nêu trên. Mặc dù vậy, UBND xã Xuân Ðỉnh và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện vẫn kiên trì tổ chức hơn mười cuộc vận động, thuyết phục người dân nhận tiền, bàn giao mặt bằng; nâng mức giá bồi thường..., nhưng các hộ dân vẫn chây ỳ. Ðể thực hiện quyết định của thành phố về đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện đã lập phương án và sẽ cương quyết tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trong tháng 11-2012...

Theo nhận định của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên nhân chính khiến công tác đấu giá đất trên địa bàn thành phố chậm trễ, đạt kết quả thấp là do thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, giao dịch sụt giảm. Nhiều dự án đã mở bán hồ sơ, nhưng không đủ hoặc không có đối tượng tham gia đấu giá theo quy định.
 
Một số dự án đã tổ chức đấu giá xong, nhưng xảy ra tình trạng nợ đọng tiền sử dụng đất, dẫn đến phải hủy kết quả và tổ chức đấu giá lại, gây khó khăn cho công tác quản lý và tổn thất ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các thủ tục liên quan đến quy hoạch, đầu tư, lựa chọn vị trí khu đất, xây dựng giá sàn, nhất là trình tự, thủ tục thu hồi đất còn phức tạp đã ảnh hưởng đến tiến độ đấu giá. Nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đấu giá còn hạn chế... Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra kế hoạch đấu giá hơn 40 ha đất đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật trong quý IV-2012 và dự kiến thu ngân sách hơn 2.600 tỷ đồng, đạt 123% kế hoạch.

Ðể đẩy nhanh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo các quận, huyện, thị xã hoàn thiện thủ tục pháp lý và tổ chức đấu giá các khu đất đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; đẩy nhanh tiến độ thực hiện quyết định thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đã được phê duyệt.
 
Các sở, ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đơn giản thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, đầu tư và thu hồi đất; bố trí đủ nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các địa phương. Xem xét việc phân cấp cho chính quyền cấp huyện thực hiện thủ tục thu hồi đất đối với các dự án dưới 5.000 m2; các khu đất đấu giá không phải đầu tư hạ tầng để giảm giá thành, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu tham gia đấu giá.
 
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần