Ông Biden muốn bàn thảo vấn đề gì trong cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Putin?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông chắc chắn sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine trong cuộc gặp trực tuyến sắp tới với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Tôi kỳ vọng sẽ thảo luận kỹ càng với Tổng thổng Vladimir Putin về vấn đề Ukraine” - Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các phóng viên hôm 3/12.
 Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp tại Geneva hôm 16/6/2021. Ảnh: AFP
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng khẳng định Washington sẽ không chấp nhận “lằn ranh đỏ của bất kỳ ai” liên quan đến vấn đề Ukraine.
Trước đó, phát biểu tại một Diễn đàn đầu tư ở Moscow hôm 30/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng cơ sở quân sự ở Ukraine là "lằn ranh đỏ" mà ông hy vọng sẽ không bị vượt qua. Tổng thống Putin cũng bày tỏ quan ngại về các cuộc tập trận quân sự gần biên giới với nước này.
Ngày 3/12, Điện Kremlin thông báo Nga và Mỹ đã dự định được thời gian tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Joe Biden tới đây bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, Moscow đang đợi phía Washington thông qua lần cuối. Hiện chưa rõ thời điểm chính thức diễn ra hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ.
"Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm một cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Biden ở định dạng trực tuyến. Cuộc gặp này sẽ diễn ra trong vòng vài ngày", trợ lý Điện Kremlin Yuri Ushakov nói với phóng viên hôm 3/12.
Theo ông Ushakov, đây sẽ là một cuộc tiếp xúc quan trọng tiếp theo sau các cuộc đàm phán trực tiếp tại Geneva và hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga sẽ đề cập đến tiến trình thực hiện các thỏa thuận Geneva. "Họ sẽ nói về các vấn đề song phương, các vấn đề quốc tế cấp bách, bao gồm Afghanistan, Iran, cuộc khủng hoảng nội bộ Ukraine và Libya. Syria có thể bị động đến, nếu cuộc gặp diễn ra theo hướng đó" – quan chức Điện Kremlin cho hay.
Cố vấn của Tổng thống Nga nói thêm rằng các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về "tiến bộ trong đối thoại về ổn định chiến lược". Theo ông Ushakov, các vấn đề liên quan đến NATO cũng sẽ được đưa ra bàn đàm phán. Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga dự kiến sẽ thảo luận về các hiệp định pháp lý về việc loại trừ sự mở rộng hơn nữa về phía đông của NATO.
Ngoài ra, ông Ushakov cũng không loại trừ khả năng các Tổng thống Putin và Biden có thể đề cập đến tình hình thị trường dầu mỏ và các vấn đề khác, bao gồm đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.
Thời gian gần đây, giới chức Nga và Mỹ đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc cấp cao, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước được đánh giá đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh do căng thẳng liên quan một số vấn đề như an ninh mạng, Syria và Ukraine.
Trong cuộc điện đàm ngày 17/11, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolay Patrushev và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nhất trí phối hợp nhằm cải thiện quan hệ song phương. Theo tuyên bố của Hội đồng An ninh Nga, cuộc điện đàm mang tính xây dựng và là một phần trong công tác chuẩn bị cho các cuộc tiếp xúc cấp cao trong tương lai giữa Nga và Mỹ.
Trước đó, ngày 2/11, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã có chuyến thăm Moscow nhằm thảo luận với phía Nga về các vấn đề song phương. Trong tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cử Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland đến Moscow để đàm phán nhằm giải quyết bất đồng liên quan đến số lượng nhân viên của đại sứ quán hai bên.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu tại hội nghị ngày thứ Sáu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, trong cuộc hội đàm trực tuyến sắp tới với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ bày tỏ mong muốn rằng thiết lập quan hệ Washington-Moscow ổn định hơn.
Theo Ngoại trưởng Blinken, Washington hy vọng cuộc đối thoại cấp cao Putin-Biden sẽ sớm diễn ra trong thời gian sắp tới.
Hồi tuần trước, Kiev và một số nước phương Tây bày tỏ quan ngại về sự gia tăng quân sự mà họ mô tả là “những hành động gây hấn” của Nga tại khu vực biên giới của Nga với Ukraine.
Moscow bác bỏ cáo buộc này, nhấn mạnh rằng đó là một hành động chuyển quân trong phạm vi lãnh thổ của Nga và theo quyết định của riêng nước này, không gây ảnh hưởng và đe dọa bất kỳ quốc gia nào./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần