Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Đỗ Quang Hiển: Kỳ vọng sự khởi sắc của nền kinh tế

Khắc Kiên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) TP Hà Nội, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã có những chia sẻ, cũng như kỳ vọng vào nền kinh tế năm 2017 sẽ có nhiều khởi sắc.

Thực hiện mục tiêu Chính phủ kiến tạo, Hà Nội đã có nhiều việc làm cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh được cộng đồng DN đánh giá cao và xung quanh vấn đề này, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) TP Hà Nội, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã có những chia sẻ, cũng như kỳ vọng vào nền kinh tế năm 2017 sẽ có nhiều khởi sắc.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (phải) và Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển tại Gala kỷ niệm 10 năm thành lập CLB bóng đá Hà Nội T&T diễn ra ngày 20/12/2016.

Theo ông Hiển, năm 2016, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức nhưng sau khi Nghị quyết 35 của Chính phủ và Kế hoạch 85 của UBND TP Hà Nội thực thi, các DN Hà Nội đã đứng vững, tự tin và một số DN đã đạt kết quả rất tốt trong sản xuất, kinh doanh do sự đổi mới thông thoáng về chính sách môi trường kinh doanh của Thủ đô.
Ông có thể chia sẻ những kỳ vọng của nền kinh tế Việt Nam nói chung, kinh tế Thủ đô nói riêng trong năm 2017?
- Cộng đồng DN, doanh nhân trong và ngoài nước cùng người dân rất có niềm tin vào sự đổi mới tích cực từ Chính phủ, cũng như chính quyền TP Hà Nội từ Chính phủ kiến tạo, cho đến đồng hành, hỗ trợ phục vụ DN. Cùng các nhà đầu tư tháo gỡ tất cả thủ tục hành chính, cơ chế chính sách đang làm cản trở sự phát triển của DN, có nghĩa cản trở sự phát triển của nền kinh tế đang quyết liệt tháo gỡ, do đó giới DN doanh nhân có niềm tin vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, do có sự cải cách tích cực từ cơ chế, chính sách, cũng như thủ tục hành chính, nhất là sự ổn định về chính trị và nền kinh tế, các DN lớn, cũng như các DNNVV, đặc biệt là các DN khởi nghiệp đang tích cực đầu tư. Đến thời điểm này, DN tự tin lập được kế hoạch kinh doanh, không chỉ trong ngắn hạn, mà còn lập được kế hoạch trong dài hạn, và quan trọng có thể tính toán trước được hiệu quả từ cơ chế mang lại.
Với niềm tin vừa chia sẻ, bản thân DN cũng đạt được những kết quả khả quan, ông có thể tiết lộ về kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN mình trong năm 2017?
- Trong năm 2016, nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế trong nước, tuy nhiên các DN, nhất là DNNVV đã rất nỗ lực cố gắng quyết tâm, chịu khó chịu khổ vượt qua. Như tôi đã nói, Chính phủ và TP Hà Nội đã cải thiện môi trường kinh doanh bằng những việc làm cụ thể, bản thân các DN đã đổi mới hướng tới hội nhập. Mỗi DN có chiến lược kinh doanh khác nhau, ngay SHB cũng có những lộ trình kế hoạch cụ thể phù hợp với sự phát triển. Nhưng tựu chung các DN nói chung và DN của tôi nói riêng, để thành công điều đầu tiên là phải có sự thông thoáng của môi trường kinh doanh, rồi đến tính chuyên nghiệp, năng lực quản trị điều hành, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu sản phẩm để hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách chuyên nghiệp. Tất cả các cán bộ công nhân viên đoàn kết, tận tâm tận lực, yêu nghề, có năng lực chuyên môn, chuyên nghiệp… cùng bản chất con người Việt Nam chịu khó, chịu khổ, sáng tạo, tôi tin sẽ đi đến thắng lợi trong những năm tới.
Xã hội hóa để thu hút đầu tư
Vậy, ông đánh giá thế nào về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Hà Nội?
- Môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng đã được cải thiện rất đáng kể, thậm chí rất lớn khi người lãnh đạo có tính quyết đoán sáng suốt. Đặc biệt, sự quan tâm tháo gỡ kịp thời cho những DN sản xuất, kinh doanh được thuận lợi, nhanh chóng, giảm thiểu chi phí phát sinh và thời gian nhằm tạo điều kiện để DN phát triển, bản thân tôi cũng như cộng đồng DN rất đồng tình. Bên cạnh đó, thực hiện mục tiêu của Chính phủ, Hà Nội đã chủ động xã hội hóa nhiều công trình để cho DN đầu tư nhằm thu hút nguồn vốn.
Ông vừa nói xã hội hóa các công trình, phải chăng đó cũng là mục tiêu Hà Nội giao cho Tập đoàn T&T quản lý, sử dụng sân vận động Hàng Đẫy?
- Sân vận động Hàng Đẫy có bề dày truyền thống lịch sử ở Thủ đô Hà Nội, nói đến những người yêu bóng đá, từ xưa đến nay không chỉ người dân Hà Nội, mà người dân cả nước, thậm chí trong khu vực đều biết đến sân này. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, sân đã xuống cấp nghiêm trọng, từ bên ngoài cho đến khán đài B, các hạng mục về dịch vụ đều đã bị xuống cấp, ảnh hưởng đến sự an toàn khi sử dụng. Nguyên nhân do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, đặc biệt vấn đề ngân sách thiếu nên không được cải tạo mới dẫn tới tình trạng này.
 Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, thể thao của Chính phủ, Hà Nội đã quyết liệt thực hiện bằng hành động xã hội hóa thể thao, trước mắt là giao sân vận động Hàng Đẫy cho DN quản lý, cụ thể là SHB. Khi SHB quản lý vì uy tín năng lực, cũng như cống hiến cho bóng đá Thủ đô và cả nước, DN sẽ bỏ vốn đầu tư, bởi có quản lý đầu tư thì mới đảm bảo tiêu chuẩn của Liên đoàn Bóng đá châu Á, cũng như đáp ứng nhu cầu không chỉ đến xem những trận bóng, mà hướng đến xa hơn là làm tốt các dịch vụ thể thao, văn hóa phục vụ người dân Thủ đô. Tôi hy vọng không chỉ sân vận động Hàng Đẫy, tới đây, các công trình thể thao khác và một số công trình về giáo dục, TP tiếp tục xã hội hóa giao cho DN đầu tư quản lý để thu hút nguồn vốn và hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.
Ông có thể tiết lộ, dự tính khi nào sẽ bắt đầu triển khai đầu tư, cũng như số tiền cho dự án?
- Đầu tháng 1/2017 đã bắt đầu Giải vô địch quốc gia, để sửa chữa cải tạo toàn bộ thì không đủ thời gian, chúng tôi tiếp nhận nhưng trong thời gian ngắn chỉ kịp thời sửa chữa những hạng mục cơ bản như sơn sửa sân bãi, khán đài để đảm bảo an toàn, nhà vệ sinh, dịch vụ thay đồ… đáp ứng yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá châu Á. Về lâu dài, chúng tôi sẽ thuê tư vấn nước ngoài để quy hoạch lại toàn bộ sân vận động Hàng Đẫy vẫn giữ nét truyền thống của Thủ đô ngàn năm Thăng Long, biểu tượng hình con rồng. Đưa hạng mục theo tiêu chuẩn không chỉ thể thao mà các sự kiện văn hóa, dịch vụ cũng như tiện ích… Về kinh phí dự tính phụ thuộc vào quy mô phê duyệt, chỉ biết rằng nếu làm hoành tráng thì tương đối lớn.
Tạo cú hích cho doanh nghiệp
Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội, ông mong muốn điều gì để DN phát triển?
- Để môi trường kinh doanh được tốt hơn, như nhiều lần tôi đề xuất, kiến nghị, Hà Nội cần cải thiện thời gian về thủ tục cấp sổ đỏ cho tài sản của DN trên đất sau khi cổ phần hóa; tạo cơ chế cho các quỹ hỗ trợ và bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV hoạt động chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, loại bỏ rào cản cho DN khởi nghiệp và giúp họ tiếp cận được với các DN lớn vốn dĩ là các khách hàng tiềm năng. Đồng thời, có hành lang pháp lý, chính sách đặc thù cho khởi nghiệp, về đầu tư mạo hiểm, đầu tư gọi vốn cộng đồng, ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư cá nhân, cơ chế đối ứng đầu tư từ Nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân, cơ chế thoái vốn đầu tư…
Nói tóm lại, ngoài nỗ lực của bản thân, DNNVV, nhất là DN khởi nghiệp rất mong đồng thuận để thay đổi, nếu việc khởi sự DN thông thoáng đúng với những chuẩn mực quốc tế, chắc chắn số DN mới của Hà Nội sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhiều. Do đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng, cần cú hích cho DN khởi nghiệp, đảm bảo môi trường pháp lý công khai, minh bạch trong quá trình cung cấp thông tin, các thủ tục thành lập, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp.
Ông có gửi gắm điều gì tới cộng đồng DN nhân dịp năm mới?
- Với vai trò của mình, tôi muốn nói các DNNVV cũng như DN khởi nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cần có: Niềm tin, quyết tâm và chiến thắng.
Xin cảm ơn ông!