KTĐT - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Đức Thúy cho rằng, nên tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thay cho quy định ngân hàng được cho vay 80% trên vốn huy động.
Trao đổi với PV, ông Thúy cho biết, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã có văn bản đề xuất tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thay cho quy định ngân hàng chỉ được cho vay 80% lượng vốn huy động. Theo phân tích của ông Thúy, khi thực hiện điều này, nguồn tiền sẽ chảy về Ngân hàng Trung ương, giúp điều hòa nền kinh tế tốt hơn mà không làm tăng chi phí vốn của các nhà băng, đảm bảo thanh khoản tốt hơn.
Bình luận về đề xuất tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tổng giám đốc một ngân hàng lớn ở Hà Nội cho rằng, về mặt tác động thì biện pháp này cũng giống như tỷ lệ 80% hiện nay. Tuy nhiên, tỷ lệ dự trữ bắt buộc là cách làm mềm dẻo hơn.
Vị lãnh đạo này cho rằng, tùy thuộc vào góc nhìn của từng nhà quản lý mà họ sẽ lựa chọn biện pháp nào phù hợp với mục tiêu đặt ra. "Với mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm phát như hiện nay thì các biện pháp cứng rắn có thể coi là phù hợp", ông này nói. Nhưng ông cũng lưu ý, hiện nay đang xuất hiện xu hướng dự báo quá xấu về tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là vấn đề tỷ giá, lạm phát.
"Điều này có thể dẫn tới các biện pháp kiểm soát quá chặt chẽ và ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của ngân hàng thương mại nói chung cũng như nền kinh tế. Trong khi đó, tình hình thực ra không xấu đến mức như vậy", vị tổng giám đốc nhận xét.
Một nguồn tin khác từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, việc giữ mức lãi suất tái chiết khấu ở mức thấp đã dẫn tới tình trạng: Những ngân hàng lớn sẵn sàng mua trái phiếu Chính phủ cao hơn cả lãi suất huy động, chịu lỗ trước. Sau đó, họ dùng trái phiếu để vay tiền từ Ngân hàng Trung ương rồi cho vay lại trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao để kiếm lời.
Riêng với vấn đề tỷ giá, một lãnh đạo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đề xuất việc tăng mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi ngoại tệ từ 3% lên 10%, và giảm trạng thái ngoại hối của các nhà băng để chống đầu cơ và khuyến khích người gửi tiền bán đôla.