PlayStation Network (PSN) - nền tảng kết nối và chơi game chính thức của Sony với các hệ máy chơi game PlayStation đã trải qua một đợt "sập" diện rộng trong ngày cuối tuần.
Cụ thể, các báo cáo về sự cố ngừng hoạt động của máy chủ PSN lần đầu tiên xuất hiện trên nền tảng theo dõi sự cố mạng Down Detector vào khoảng 6 rưỡi sáng 8/2 (giờ Hà Nội).
Sau đó hơn nửa tiếng, tài khoản chính thức của PSN trên các nền tảng mạng xã hội xác nhận tình trạng trên. “Vào thời điểm này, PSN (bao gồm cả PlayStation Store) có thể không khả dụng”, thông báo từ tài khoản PSN trên mạng xã hội X cho hay.
Nghiêm trọng hơn, sự cố mất kết nối dường như xảy ra trên toàn thế giới, chứ không chỉ giới hạn ở một số quốc gia hoặc châu lục nhất định. Theo thống kê từ Down Detector, đã có hơn 640,000 báo cáo về sự cố kết nối liên quan đến PSN được ghi nhận trên toàn cầu tính riêng trong sáng 8/2, và con số này đã tăng lên hơn 1 triệu khi sự cố kéo dài.
![Logo PlayStation bên ngoài trụ sở công ty Sony Interactive Entertainment ở thành phố San Mateo, bang California (Mỹ). Ảnh: Shutterstock](https://static.kinhtedothi.vn/w960/images/upload/2025/02/09/08xp-playstation-zglh-jumbo.jpg)
Việc PSN không thể kết nối ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm của hàng triệu người dùng máy chơi game PlayStation trên nhiều phương diện. Họ không thể truy cập các dịch vụ trực tuyến, bao gồm chơi game trực tuyến, mua sắm trên cửa hàng PlayStation Store và xem các nội dung video trên nền tảng PlayStation Video. Điều đáng chú ý là ngay cả những game ngoại tuyến cũng bị ảnh hưởng khi hệ thống không thể xác minh quyền sở hữu của người chơi.
Sự cố cũng gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Sony, với mức giảm 2% trong phiên giao dịch sau giờ trong ngày 8/2. Với khoảng 116 triệu người dùng hàng tháng theo ước tính của công ty (tính đến 30/9/2024), tác động kinh tế của sự cố này là không nhỏ.
Nhiều người chơi PlayStation đã bày tỏ sự thất vọng trên mạng xã hội. Một số còn liên hệ vụ việc với sự cố năm 2011, khi PSN bị tin tặc tấn công. Thời điểm đó, vụ tấn công đã làm lộ thông tin cá nhân cùng thông tin thẻ tín dụng của hơn 77 triệu tài khoản, buộc Sony phải đóng cửa PSN trong hơn một tháng.
Tình huống này cũng tạo cơ hội marketing hoặc châm chọc cho các đối thủ cạnh tranh với PlayStation và một số thương hiệu khác. "Cá là giờ các bạn muốn có phiên bản vật lý của các tựa game rồi nhỉ?", chuỗi cửa hàng bán lẻ trò chơi điện tử GameStop đưa ra bình luận đầy châm biếm trên mạng xã hội X sau khi sự cố kéo dài tới hơn 14 giờ. Trong khi đó, hãng đồ ăn nhanh Krispy Kreme thì tận dụng sự cố để đưa ra ưu đãi tặng bánh donut miễn phí cho các game thủ bị ảnh hưởng.
Phải đến 7 giờ sáng ngày 9/2, tức hơn 24 giờ kể từ khi sự cố được ghi nhận lần đầu, kết nối với PSN mới được khôi phục hoàn toàn. "PSN đã được phục hồi. Bạn có thể truy cập các tính năng trực tuyến mà không gặp vấn đề gì. Xin lỗi vì sự bất tiện này!", tài khoản chính thức của PSN trên X xác nhận. Tuy nhiên, Sony vẫn chưa đưa ra lý giải chính thức về nguyên nhân gây ra sự cố.
Vụ việc trên đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai của ngành công nghiệp game: Khi các nhà phát triển và nhà phát hành ngày càng thiên về mô hình phân phối kỹ thuật số và dịch vụ trực tuyến, liệu họ đã chuẩn bị đủ cho những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng? Làm thế nào để cân bằng giữa tiện ích của kết nối trực tuyến và quyền được chơi game của người dùng khi họ đã bỏ tiền cho những sản phẩm trên PlayStation?