Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông lớn thương mại điện tử hợp tác đưa sản phẩm Việt ra toàn cầu

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm Việt Nam đang diễn ra, chuỗi sự kiện chia sẻ về chủ đề thương mại điện tử (TMĐT) do Alibaba.com tổ chức đã giúp các DN có những giải pháp áp dụng tiếp thị kỹ thuật số vào kinh doanh trực tuyến.

Đại diện các DN, nhà bán lẻ trao đổi về bán hàng qua kênh TMĐT tại Triển lãm
Đại diện các DN, nhà bán lẻ trao đổi về bán hàng qua kênh TMĐT tại Triển lãm

Bà Trần Thị Yến Phi - Người sáng lập & Giám đốc điều hành Công ty TNHH DSW chia sẻ: “Tôi tham gia Alibaba.com chỉ với một tài khoản và giờ tôi đã thành công. Đơn đặt hàng đầu tiên trị giá 3.000 USD, sau một năm, doanh thu đã đạt 260.000 USD. Tôi đã học được các bài học thực tế từ nhà bán hàng Trung Quốc thông qua Alibaba.com như các phương thức thanh toán đa phương tiện hay các cách để livestream”.

Tương tự, bà Lê Tú Uyên - Người sáng lập & Giám đốc điều hành Công ty TNHH Natural Love cho hay: “Trong năm 2021, khi dịch bệnh tiếp tục hoành hành, chiến lược mở rộng kinh doanh của chúng tôi trên nền tảng TMĐT Alibaba.com là đúng đắn và kịp thời khi các đơn hàng vẫn đến đều đặn từ hơn 10 quốc gia như Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia,  Ấn Độ... Doanh thu hằng năm ổn định ở mức 800.000 USD giúp chúng tôi phát triển doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ, hợp tác và tư vấn xuất khẩu cho hơn 2.000 nhà máy, hợp tác xã, nhà xưởng”.

Theo đại diện Alibaba.com, điểm mạnh của các nhà bán hàng Việt Nam là năng lực sản xuất lớn, danh mục sản phẩm chất lượng, đa dạng, giá cả cạnh tranh và định hướng tăng cường tập trung vào xuất khẩu. Một số ngành hàng của Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng, trong đó nổi bật nhất là ngành thực phẩm và đồ uống.

“Thế mạnh của các nhà bán hàng Việt Nam, các FTA được ký kết gần đây và tình hình khó lường của đại dịch là những yếu tố chính thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Số hóa không chỉ phục vụ tốt cho nhà bán hàng mà còn cho phép họ tạo ra một mô hình kinh doanh bền vững hơn. Tôi tin tưởng rằng Việt Nam là một thị trường có tiềm năng cao, tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn áp dụng số hóa trên tất cả các ngành và lĩnh vực kinh doanh. Vì vậy, chúng tôi mong muốn làm việc với nhiều DNNVV Việt Nam hơn nữa để xây dựng, và chuyển đổi hoạt động kinh doanh trở nên bền vững hơn, và tạo ra lợi ích lâu dài” - ông Vũ Thế Tùng - Giám đốc Phát triển kinh doanh và Quan hệ chính phủ Alibaba.com, chia sẻ tại sự kiện.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 6, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 65,02 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%,nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD. Trong năm 2022, Alibaba.com sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương, cung cấp các dịch vụ và giải pháp trực tuyến phù hợp và hiệu quả.