Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Tây mở quán phở ở Mỹ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Schumacher đã "đánh bạc" và dường như quyết định mạo hiểm này đã mang lại thành công cho anh. Phở Duy mở cửa vào giữa tháng 12 năm ngoái. Anh cùng quản lý nhà hàng Dang Hoang tỏ ra hài lòng vì họ được đón nhận nhiệt tình.

KTĐT - Schumacher đã "đánh bạc" và dường như quyết định mạo hiểm này đã mang lại thành công cho anh. Phở Duy mở cửa vào giữa tháng 12 năm ngoái. Anh cùng quản lý nhà hàng Dang Hoang tỏ ra hài lòng vì họ được đón nhận nhiệt tình.

"Tôi suýt khóc khi một thực khách là sinh viên Việt Nam nói rằng đã ba năm nay anh ấy mới được ăn bát phở giống như phở mẹ anh làm ở nhà", Joe Schumacher, người Mỹ vừa đánh liều mở quán phở Việt ở Colorado, kể.

Theo Greeley Tribune, Schumacher là thợ máy dân dụng giàu kinh nghiệm và là đồng chủ tịch công ty xây dựng ở thành phố Greeley, bang Colorado. Anh chưa từng bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ mở một nhà hàng bán đồ ăn Việt Nam. Khi nói với mọi người xung quanh về ý định này, ai nấy cũng ngạc nhiên. "Anh định mở quán soup thật á?", bạn anh hỏi lại.

Tuy nhiên, tình bạn với một linh mục gốc Việt cộng với tình hình kinh tế suy thoái đã thay đổi số phận của Schumacher. Anh cùng các cộng sự ở công ty xây dựng giờ đây là chủ sở hữu một trong những nhà hàng mới nhất ở Greeley. Phở Duy chuyên phục vụ món phở truyền thống của Việt Nam - một món ăn hiếm thấy trong vùng. Schumacher mất 8 tháng để chuẩn bị cho sự ra đời của nhà hàng Phở Duy.

"Tôi nghĩ chẳng có thời điểm nào tốt hơn để mở nhà hàng nữa", Schumacher nói.

Schumacher đã "đánh bạc" và dường như quyết định mạo hiểm này đã mang lại thành công cho anh. Phở Duy mở cửa vào giữa tháng 12 năm ngoái. Anh cùng quản lý nhà hàng Dang Hoang tỏ ra hài lòng vì họ được đón nhận nhiệt tình.

"Chúng tôi cứ nghĩ từ từ mới làm ăn được", Schumacher nói. "Thế nhưng công việc phất lên ngay từ ngày đầu".

Đầu bếp Phong Pham cho biết ngày mở cửa hàng bận rộn hơn so với họ tưởng tượng. "Ngày đầu tiên thật hỗn loạn", Pham vừa cười vừa nói. "Chúng tôi cứ phải chạy loạn cả lên".

Bát phở truyền thống của Việt Nam thường có bánh phở, hành và thịt bò. Tại Phở Duy, thực khách còn được ăn thêm ớt xanh, mùi, giá đỗ và lá húng quế. Ngoài ra, còn có sẵn tương ớt Chile và nước sốt hoisin màu đen. Nhà hàng cũng phục vụ phở gà và tôm. Ngoài phở, họ còn làm thêm nem rán và món cocktail tôm để ăn kèm hoặc khai vị.

Ở Việt Nam, phở có mặt trong các quán vỉa hè tới cả những nhà hàng sang trọng. Người Việt Nam ăn phở vào cả buổi sáng, trưa và tối. Nó không chỉ là một món dễ ăn mà còn rất rẻ và no bụng.

Schumacher được một linh mục người Việt tên là Peter Quang Nguyen giới thiệu món phở. Ông cũng hay mời anh ăn các món khác của Việt Nam. "Tôi từng lái xe tới tận Denver để ăn phở vào cuối tuần", anh nói và thêm rằng các con anh cũng rất thích món này.

Một bát phở ở nhà hàng của Schumacher có giá 6,5 USD (khoảng 120.000 VND). Anh cho biết anh sẽ duy trì mức giá thấp thế này. "Chúng tôi không định làm giàu", Schumacher nói. "Chúng tôi muốn giới thiệu một món ngon, lành mạnh với mức giá hợp lý".

Hoang, quản lý nhà hàng, cho biết dù mới mở song cửa hàng đã có rất nhiều thực khách trung thành. Có ngày, một phụ nữ tới đây ăn phở cả bữa sáng, trưa và tối.

Schumacher nhớ lại một thực khách người Việt từng đòi gặp anh bằng được. Anh này là sinh viên của đại học Northern Colorado. "Cậu ấy nói: 'Tôi ở đây đã ba năm và bát phở này giống hệt như mẹ tôi làm'", Schumacher kể. "Lúc ấy, tôi suýt khóc".

Sau cả ngày làm việc ở công ty xây dựng, Schumacher thường tới nhà hàng vào buổi tối và cuối tuần. "Công việc này chẳng có gì nặng nề cả", Schumacher vừa cười vừa nói. "Tôi không thể vui hơn được nữa".