Có lẽ vì sự tin yêu đó mà đến bây giờ, dẫu đã ở tuổi gần 60, ông vẫn gắn bó với người chăn nuôi.
Năm 1984, rời quân ngũ trở về với tấm thẻ thương binh hạng 2/4, ông về quê bắt đầu bằng nghề chăn nuôi và làm công tác thú y, phòng trị dịch bệnh cho vật nuôi. Ông Thuật bộc bạch: "Trước đây làm công tác TTNT khó lắm, nhiều người làm nhưng tỷ lệ đạt thấp, người dân lại chưa biết cách phát hiện thời điểm bò động dục nên tỷ lệ thành công thấp. Hơn nữa, việc tuyên truyền còn hạn chế trong khi người dân chưa có điều kiện để so sánh chất lượng bê sinh ra từ TTNT nên chưa áp dụng nhiều. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất như: Dụng cụ y tế, các thiết bị hỗ trợ… còn thiếu thốn, đường xá đi lại khó khăn".
Ông Thuật bên đàn bò của gia đình.
Với ý chí của người lính năm xưa, ông Thuật không nản chí. Từ năm 1995 đến 2008, khi Nhà nước có chương trình cải tạo đàn bò (Sind hóa đàn bò) của tổ chức JICA (Nhật Bản) và các chương trình cải tạo giống bò triển khai trên địa bàn, được sự giúp đỡ của Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, ông Thuật ngày càng trau dồi, tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm. Vừa tích cực tuyên truyền, vận động nông dân, ông vừa trực tiếp thực hiện TTNT cho các gia đình chăn nuôi. Không chỉ TTNT cho các hộ chăn nuôi ở trong xã, ông còn giúp bà con trên địa bàn các xã lân cận như Phong Vân, Vạn Thắng nhân rộng giống bò...
Trước đây, bò phối giống trực tiếp nên bê sinh ra chỉ đạt 15 - 18kg, khi áp dụng phương pháp lai này, bê sinh ra đạt 23 - 28kg. Bê lai có chất lượng giống tốt, hình thức đẹp, người dân có thể giữ lại làm giống hoặc bán với giá cao từ 2,5 - 3 triệu đồng/con. Năm 2012, ông đã TTNT giống bò cho gần 700 con bò cái sinh sản (bình quân 60 con/tháng), tăng trên 100 con so với năm 2011, giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập. Ông Thuật là một trong 90 dẫn tinh viên của Hà Nội đã đóng góp cho chương trình cải tạo đàn bò, thúc đẩy chăn nuôi phát triển.