Viết trên trang trên Twitter hôm 26/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông mong muốn thảo luận với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi để yêu cầu quốc gia Nam Á hủy bỏ mức thuế mới đối với hàng hóa của Mỹ.
Trước đó, hôm 15/6 chính phủ Ấn Độ đưa ra quyết định chính thức tăng thuế đối với 28 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ từ ngày 16/6, trong đó có hạt hạnh nhân và táo.
Trước đó, hồi tháng 6 năm ngoái, chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hóa của Mỹ. Động thái này được cho là nhằm đáp trả việc Washington từ chối miễn trừ New Delhi khỏi các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm.
Chính phủ Mỹ đá áp đặt mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% thuế đối với nhôm nhập khẩu từ Ấn Độ từ tháng 3/2018. Ấn Độ ngay lập tức lên án động thái này vì nước này là một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Ấn Độ đã nhiều lần trì hoãn việc tăng thuế đối với Mỹ vì các cuộc đàm phán giữa hai nước đã làm gia tăng hy vọng về một giải pháp.
Mặc dù vậy, quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP) kể từ ngày 5/6 dường như đã khiến chính quyền New Delhi buộc phải tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có chuyến thăm chính thức tới New Delhi để hội đàm sẽ tập trung vào các lợi ích chung trong việc mở rộng giao thông đường thủy và tăng cường hợp tác quan hệ kinh tế tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Theo số liệu của Quốc hội Mỹ, Ấn Độ là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất tư chương trình GPS của Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ, với việc xuất khẩu số hàng hóa miễn thuế trị giá 5,6 tỷ USD sang Mỹ vào năm 2017. Mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ sang Mỹ theo GSP trong năm 2017 bao gồm các bộ phận xe cơ giới, đồ trang sức bằng kim loại quý, đá xây dựng, dây cáp cách điện, sản phẩm da và may mặc.
Tổng thống Trump đã nhiều lần gây sức ép với New Delhi để mở cửa thị trường cho thương mại Mỹ nhằm giảm mức thâm hụt hiện ở mức 27,3 tỷ USD, và phản đối chính sách thuế quan bảo hộ của Ấn Độ, bao gồm cả chương trình 'Make In India' của Thủ tướng Narendra Modi.