Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Trump muốn siết chặt kiểm soát chip đối với Trung Quốc

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch thắt chặt hơn nữa các hạn chế đối với ngành bán dẫn Trung Quốc, nhằm kiềm chế sự phát triển công nghệ của Bắc Kinh.

Nhà máy ASML tại Hà Lan. Ảnh: Espanol News
Nhà máy ASML tại Hà Lan. Ảnh: Espanol News

Kế hoạch này nhấn mạnh cách tiếp cận cứng rắn của Washington đối với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh công nghệ và an ninh quốc gia.

Theo nhiều báo cáo, giới chức Mỹ gần đây đã có cuộc gặp với các đồng minh Nhật Bản và Hà Lan để thảo luận về việc hạn chế kỹ sư của Tokyo Electron và ASML bảo trì thiết bị bán dẫn tại Trung Quốc. ASML là công ty Hà Lan đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu và khâu sản xuất chip thế hệ mới.

Việc cấm kỹ sư từ Nhật Bản và Hà Lan bảo trì các thiết bị này có thể làm gián đoạn năng lực sản xuất chip của Trung Quốc.

Thêm vào đó, một số quan chức trong nhóm của ông Trump đang thúc đẩy kế hoạch siết chặt hơn nữa việc xuất khẩu chip Nvidia sang Trung Quốc, hạn chế cả số lượng lẫn chủng loại mà không cần giấy phép. Trước đó, chính quyền ông Trump đã áp đặt giới hạn nghiêm ngặt đối với việc bán các dòng chip AI tiên tiến của Nvidia như A100 và H100, vốn là những sản phẩm quan trọng đối với các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính.

Mục tiêu của ông Trump là thuyết phục các đồng minh chủ chốt, bao gồm Nhật Bản và Hà Lan, điều chỉnh chính sách của họ theo hướng tương tự Mỹ, siết chặt kiểm soát với Trung Quốc.

Hiện nay, Washington đã áp đặt các lệnh hạn chế đối với những công ty thiết bị sản xuất chip hàng đầu của Mỹ như Lam Research, KLA và Applied Materials nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ tiên tiến. 

Các biện pháp kiểm soát chip mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc trong những năm gần đây đã khiến ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu biến động mạnh.

Washington lập luận rằng những hạn chế này nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, tránh để công nghệ tiên tiến rơi vào tay Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích những chính sách này, cho rằng chúng chỉ nhằm cản trở sự phát triển công nghệ của nước này và tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng cho các doanh nghiệp Mỹ.