Ông Trump nhận máy bay Qatar thay thế Không Lực Một: Tầm nhìn hay lãng phí?
Kinhtedothi - Chiếc máy bay Boeing 747 xa hoa mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mới nhận từ Hoàng gia Qatar với ý định thay thế Không Lực Một đang làm dấy lên tranh cãi gay gắt về pháp lý, chi phí cải tạo và nguy cơ an ninh quốc gia.
Ngày 14/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố một quyết định gây sốc: chấp nhận một chiếc Boeing 747-8 trị giá 400 triệu USD từ hoàng gia Qatar để thay thế Không Lực Một, biểu tượng quyền lực của Tổng thống Mỹ.
Chiếc Boeing 747-8, từng thuộc sở hữu của Hoàng gia Qatar, được Tổng thống Trump mô tả như một “cung điện bay” với nội thất sang trọng, được làm từ gỗ quý, bọc da cao cấp và phòng tắm được thiết kế như một tác phẩm nghệ thuật. Trong chuyến thăm Doha vào ngày 13/5 năm 2025, ông Trump đã bị ấn tượng bởi chiếc máy bay này khi được các chiến đấu cơ Qatar hộ tống, từ đó khơi dậy khát vọng sở hữu một chiếc Không Lực Một lộng lẫy hơn.
Tuy nhiên, việc chấp nhận món quà xa xỉ trên làm dấy lên làn sóng tranh cãi từ những nhà lập pháp lưỡng đảng, các chuyên gia an ninh và giới luật sư. Nhiều người lo ngại đây không chỉ là một món quà đơn thuần mà có thể là một phần của chiến lược ảnh hưởng từ Qatar.
Món quà triệu USD "gây bão"
Việc Mỹ nhận hiếc Boeing 747-8 từ Qatar không phải là một thương vụ đơn giản. Hiến pháp nước này quy định tổng thống không được phép nhận quà từ chính phủ nước ngoài mà không có sự chấp thuận của Quốc hội, nhằm tránh xung đột lợi ích hoặc các hành vi bị xem là hối lộ.

Chuyên cơ Không Lực Một của tổng thống Mỹ. Ảnh: Dylan Agbagni (CC0)/Flickr
Các nhà lập pháp đảng Dân chủ, dẫn đầu là Hạ nghị sĩ Jamie Raskin, đã lên án mạnh mẽ động thái tiếp nhận chiếc Boeing 747-8 từ Qatar, gọi đây là “món quà 400 triệu USD vi phạm trắng trợn Điều khoản Lợi ích” và thậm chí là kết quả của một “chiến dịch gây áp lực kéo dài nhiều tháng” từ chính quyền Tổng thống Trump. Ông Raskin, người từng dẫn đầu cuộc điều tra về các khoản lợi nhuận mà ông Trump nhận được từ các chính phủ nước ngoài trong nhiệm kỳ đầu, nhấn mạnh Qatar đã chi hàng triệu USD cho các doanh nghiệp của gia đình Trump, từ khách sạn Trump International đến bất động sản tại Trump World Tower.
Không chỉ các nghị sĩ đảng Dân chủ, một số thành viên đảng Cộng hòa như Thượng nghị sĩ Josh Hawley cũng bày tỏ lo ngại, khi nhấn mạnh Không Lực Một nên là một sản phẩm “sản xuất tại Mỹ, mua tại Mỹ”. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer thậm chí đề xuất cấm Không quân Mỹ cải tạo máy bay nước ngoài để làm phương tiện cho tổng thống.
Trên mạng xã hội X, nhiều ý kiến cũng gọi đây là một “trò lừa đảo trá hình ngoại giao”, phản ánh sự nghi ngờ về động cơ thực sự của Qatar. Tổng thống Trump bác bỏ mọi chỉ trích, lập luận rằng việc từ chối một món quà miễn phí trị giá hàng trăm triệu USD là “ngu ngốc” và số tiền tiết kiệm được sẽ dùng để “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh và hàng không cảnh báo chiếc máy bay này, dù sang trọng, không đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Không Lực Một. Theo Richard Aboulafia, giám đốc điều hành công ty tư vấn AeroDynamic Advisory, việc cải tạo chiếc máy bay để đạt các yêu cầu về thông tin mã hóa, phòng thủ tên lửa và hệ thống phản gián sẽ mất ít nhất vài năm và tiêu tốn tới 1 tỷ USD. Nếu rút ngắn thời gian, máy bay có thể trở thành một “phi cơ bị tổn hại”, đặt tổng thống vào nguy cơ an ninh nghiêm trọng.
Chi phí có tiết kiệm hơn?
Hiện tại, chiếc Boeing 747-8 của Qatar đang đậu tại sân bay San Antonio, bang Texas (Mỹ), chờ cải tạo bởi một nhà thầu quốc phòng. Bộ Quốc phòng Mỹ, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Pete Hegseth, đã tiếp nhận máy bay vào ngày 14/5, nhưng các chi tiết về giao dịch vẫn chưa rõ ràng.
Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell, máy bay sẽ được cải tạo “theo đúng các quy định liên bang”, nhưng không cung cấp thông tin về chi phí hay thời gian hoàn thành. Một số nguồn tin cho biết L3Harris, một nhà thầu quân sự, có thể được giao nhiệm vụ này, nhưng nguồn tài trợ vẫn chưa được Quốc hội Mỹ phê duyệt.
ĐỌC NGAY: Dư luận dậy sóng trước ý tưởng của ông Trump: thay Không Lực Một bằng máy bay Qatar tặng
Trong khi đó, hai chiếc Boeing 747 mới, được đặt hàng từ năm 2018 với tổng chi phí 3,9 tỷ USD, vẫn đang trong quá trình sản xuất và dự kiến được hoàn thành vào năm 2027. Tổng thống Trump, vốn không hài lòng với nội thất “lỗi thời” của các máy bay Không Lực Một hiện tại, đã tìm cách đẩy nhanh tiến độ bằng cách chấp nhận chiếc Boeing từ Qatar.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc cải tạo một chiếc máy bay đã qua sử dụng, dù là quà tặng, không tiết kiệm hơn so với việc tiếp tục đầu tư vào 2 chiếc máy bay mới. Ước tính, chi phí vận hành một chiếc Không Lực Một có thể lên tới 134 triệu USD mỗi năm, bao gồm 37 triệu USD cho phi hành đoàn, chưa kể các khoản bảo trì và sửa chữa định kỳ.
Một vấn đề khác là liệu chiếc máy bay này có thể sẵn sàng trước khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2029 hay không. Marc Foulkrod, một kỹ sư hàng không vũ trụ từng tham gia nỗ lực bán chiếc máy bay này cho Qatar, cho rằng việc cải tạo sẽ kéo dài đến sau năm 2027, khiến kế hoạch của ông Trump trở thành một “canh bạc xa xỉ”. Nếu tổng thống Mỹ từ bỏ các yêu cầu an ninh nghiêm ngặt để sử dụng máy bay sớm hơn, rủi ro an ninh quốc gia sẽ tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.
Toan tính từ Doha
Mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Qatar không chỉ dừng ở chiếc máy bay. Trong chuyến thăm Trung Đông vào tháng này, ông Trump từng tuyên bố Qatar, cùng với Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), cam kết đầu tư hơn 2 nghìn tỷ USD vào các công ty Mỹ, bao gồm một hợp đồng lớn mua máy bay Boeing 787 trị giá 103 tỷ USD.
Steven Witkoff, đặc phái viên khu vực Trung Đông của Chính quyền Tổng thốngg Trump, đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán món quà máy bay. Với mối quan hệ cá nhân sâu sắc với Doha, bao gồm việc quỹ đầu tư quốc gia Qatar từng giải cứu ông Witkoff trong một thương vụ bất động sản năm 2023, ông trở thành cầu nối then chốt để thương vụ tặng máy bay được tiến hành.
Tuy nhiên, điều này càng làm dấy lên nghi ngờ về một mối quan hệ “có qua có lại” giữa Tổng thống Trump và Qatar, đặc biệt khi các doanh nghiệp của gia đình Trump đã nhận hàng triệu USD từ Qatar trong nhiệm kỳ đầu. Bên cạnh đó, một số nghị sĩ như Brad Sherman nghi ngờ rằng, nhiều thương vụ trong số này đã được ký kết từ trước và chỉ được công bố lại để tô vẽ thành tựu của ông Trump trong nhiệm kỳ mới tại Nhà Trắng.
Dù Tổng thống Trump khẳng định chiếc máy bay sẽ được chuyển cho thư viện tổng thống của ông sau khi rời nhiệm sở, thay vì mục đích cá nhân, kế hoạch này vẫn gây tranh cãi. Việc một thư viện tổng thống sở hữu một chiếc máy bay vẫn còn hoạt động là điều chưa từng có tiền lệ, và các điều khoản cụ thể của việc chuyển giao vẫn chưa được công bố.
Kế hoạch biến chiếc Boeing 747-8 của Qatar thành Không Lực Một mới của Tổng thống Trump là một canh bạc táo bạo, phản ánh phong cách phô trương và tầm nhìn cá nhân của ông. Tuy nhiên, với chi phí cải tạo đắt đỏ, những lo ngại về pháp lý và an ninh, cùng nguy cơ trì hoãn kéo dài, món quà này có thể trở thành một gánh nặng cho người dân Mỹ hơn là một chiến thắng ngoại giao.

Qatar ký hợp đồng "khủng" mua máy bay Boeing trong chuyến thăm của Tổng thống Trump
Kinhtedothi - Chính phủ Qatar đã đồng ý mua tới 210 chiếc máy bay từ Boeing vào ngày 14/5, đây là đơn hàng được cho là lớn nhất trong lịch sử hãng hàng không Mỹ.

Điện đàm Tổng thống Trump – Putin: Thế giới lo ngại hay kỳ vọng?
Kinhtedothi - Theo thông báo từ Nhà Trắng, ông Trump đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn hai giờ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó hai bên đồng ý bắt đầu soạn thảo một bản ghi nhớ về thỏa thuận hòa bình trong tương lai.

Mỹ nhận siêu phi cơ 400 triệu USD từ Qatar: món quà vàng hay cơn đau đầu chính trị?
Kinhtedothi - Mỹ đã chính thức tiếp nhận một chiếc Boeing 747 do Qatar trao tặng và đang xem xét nâng cấp để phục vụ Tổng thống Donald Trump.