Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Trump sẽ chặn đứng tiến trình phi đô la hóa trên toàn cầu?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhóm cố vấn của ông đã bày tỏ lo ngại về xu hướng phi đô la hóa đang lan rộng ra nhiều nước kể từ khi phương Tây loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT vào năm 2022.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty

Tờ Bloomberg cuối tuần qua đưa tin, các cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm kiếm các giải pháp để ngăn chặn việc các nước từ bỏ USD trong bối cảnh đồng bạc xanh phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ các thị trường mới nổi, bao gồm cả các quốc gia BRICS.

Ông Trump - ứng cử viên gần như chắc chắn của đảng Cộng hòa tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 vào tháng 11 tới - và nhóm của ông đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với cả những đồng minh và đối thủ tìm cách chuyển hướng giao dịch từ đồng USD sang các loại tiền tệ khác.

Các lựa chọn có thể bao gồm kiểm soát xuất khẩu, cáo buộc thao túng tiền tệ, áp đặt thuế quan, tờ Bloomberg dẫn lời những người quen thuộc với vấn đề này cho hay.

Xu hướng toàn cầu hướng tới sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại thay vì đồng USD đã đạt được động lực đáng kể sau khi Nga bị phương Tây loại khỏi hệ thống tài chính SWIFT và bị đóng băng dự trữ ngoại hối vào năm 2022, như một phần của các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Các chuyên gia tài chính trong tuần này cũng cảnh báo, một dự luật với các điều khoản cho phép Wahington tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga mà Tổng thống Joe Biden ký hôm 24/4, có thể thúc đẩy quá trình phi đô la hóa diễn ra nhanh hơn.

Theo đài RT, cựu quan chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Eswar Prasad hôm 25/4  cảnh báo rằng “việc Mỹ tăng cường vũ khí hóa đồng tiền thông qua việc thu giữ tài sản dự trữ bằng USD chắc chắn sẽ khiến các đối thủ của Mỹ xem xét việc phi đô la hóa”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24/4 đã ký “Đạo luật REPO dành cho người Ukraine", cùng với gói viện trợ quân sự trị giá gần 61 tỷ USD cho Kiev. Theo Đạo luật REPO, Ukraine đã ủy quyền cho Tổng thống Mỹ tịch thu tài sản nhà nước của Nga nắm giữ trong các ngân hàng Mỹ và chuyển số tài sản này cho quỹ tái thiết của Kiev.

Theo trích dẫn của tờ Bloomberg, ông Trump hôm 25/4 cảnh báo Tổng thống Joe Biden rằng việc đồng bạc xanh mất vị thế đồng tiền dự trữ số một thế giới sẽ là một “đòn giáng” đối với Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh nguy cơ đồng USD mất giá trị trong vai trò đồng tiền dự trữ số một thế giới.

Cựu Tổng thống Mỹ nhiều lần khẳng định rằng ông muốn đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới. “Tôi ghét khi các quốc gia phá giá đồng USD. Tôi sẽ không cho phép các nước từ bỏ đồng bạc xanh vì khi chúng ta đánh mất tiêu chuẩn đó, sẽ giống như thua trong một cuộc chiến tranh cách mạng” - ông Trump nói với đài CNBC hôm 11/3.

Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ ngăn chặn tiến trình phi đô la hóa?

Theo tờ Vedomost của Nga, việc Washington sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế là một trong những nguyên nhân khiến các nước giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Việc phong tỏa và tìm cách tịch thu tài sản của Nga là minh chứng rõ ràng nhất về điều này.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc trừng phạt các  nước từ bỏ sử dụng đồng  USD trong giao dịch thương mại. Ảnh: RT
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc trừng phạt các  nước từ bỏ sử dụng đồng  USD trong giao dịch thương mại. Ảnh: RT

Nhà báo Mỹ Saleha Mohsin mới đây nhận định, việc Washington vũ khí hóa đồng USD đã khiến nhiều nước tăng tốc quá trình “quay lưng” lại với đồng bạc xanh.

Báo cáo được IMF công bố vào năm 2021 cho thấy tỷ lệ dự trữ đồng USD của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã giảm mạnh về còn 59% – mức thấp nhất trong 25 năm. Theo nhà báo Mohsin, điều này diễn ra đúng thời điểm chính quyền Washington đẩy mạnh việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các đối thủ của mình.

Bên cạnh đó, những nỗ lực nhằm giảm việc sử dụng đồng USD trong thương mại cũng đã được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8/2023. Trước đó, hồi tháng 1/2023, BRICS thậm chí còn báo hiệu khả năng đưa ra một loại tiền tệ mới trong những năm tới.

BRICS - gần đây đã mở rộng với các thành viên bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ethiopia, Iran, Ai Cập. Khối thúc đẩy việc sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại song phương.

Theo chuyên gia Yaroslav Lisovolik, người sáng lập Công ty BRICS+ Analytics, cựu Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn của ông mới chỉ thảo luận về khả năng trừng phạt bất kỳ ai từ chối sử dụng đồng USD, chưa có bất kỳ hành động cụ thể nào.

Đối với nhóm BRICS, việc áp đặt các biện pháp hạn chế hiện không có nhiều ý nghĩa vì việc tạo ra một loại tiền tệ chung và việc hạn chế sử dụng đồng USD vẫn chỉ đang được xem xét. Đối với vấn đề thương mại Nga - Trung Quốc, hiện đã quá muộn để thúc đẩy hai nước sử dụng đồng USD thông qua việc đưa ra những lời đe dọa.

Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 22/4 cho  biết, nước này và Trung Quốc sắp từ bỏ đồng USD trong quan hệ kinh tế song phương. Ngoại trưởng Lavrov lưu ý thêm rằng không phải Nga là người châm ngòi cho quá trình phi đô la hóa, thay vào đó chính Mỹ và các đồng minh đã thúc đấy tiến trình này khi sử dụng đồng bạc xanh và các biện pháp trừng phạt làm vũ khí kinh tế.

Về phần mình, Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga Ivan Timofeev nhấn mạnh, ngay cả khi các cố vấn của cựu Tổng thống Trump thành công trong việc tìm ra cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những nước từ bỏ đồng bạc xanh, điều đó cũng khó có thể khiến đồng tiền Mỹ trở nên hấp dẫn hơn.

Theo chuyên gia này, sáng kiến được cho là đang được thảo luận trong nhóm cố vấn của ông Trump là vô ích vì nó sẽ chỉ củng cố thêm mong muốn từ bỏ đồng USD của một số quốc gia.