Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ông Trump và Erdogan tìm giải pháp đánh bại virus SARS-CoV-2

Nguyễn Phương (Theo Anadolu)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà Trắng cho biết lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ "đã đồng ý hợp tác chặt chẽ trong chiến dịch quốc tế để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu".

Tổng thống Tayyip Erdogan (bên phải) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump vừa có cuộc điện đàm về dịch Covid-19 và các vấn đề song phương. 
Tuyên bố được Nhà Trắng đưa ra ngày 31/3 cho biết, tại cuộc điện đàm nhằm nỗ lực "đánh bại virus SARS-CoV-2 và thúc đẩy kinh tế toàn cầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhất trí rằng điều quan trọng nhất để kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 là sự đoàn kết và hợp tác toàn cầu.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Tổng thống Tayyip Erdogan và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã thảo luận về tình hình đại dịch Covid-19 hiện tại, cũng như các mối quan hệ song phương và các vấn đề chính trị trong khu vực.
Hai tổng thống nhất trí rằng các nước cần thiết phải chia sẻ các dữ liệu và những kinh nghiệm tốt nhất để sớm ngăn chặn và kiểm soát đại dịch Covid-19.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 31/3, Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Judd Deere cho biết hai nhà lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ "đã đồng ý hợp tác chặt chẽ với nhau trong chiến dịch quốc tế để đánh bại dịch Covid-19 và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu".
Theo số liệu từ Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, số người chết vì nhiễm dịch Covid-19 tại nước này tăng lên 214 trường hợp sau khi ghi nhận thêm 46 ca trong ngày 31/3. Theo báo cáo của bộ này, tổng số trường hợp được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Thổ Nhĩ Kỳ tính đến ngày 31/3 là 13.531, trong đó 243 người khỏi bệnh và  847 bệnh nhân nặng đang được điều trị tích cực.
Cũng trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí rằng "điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với các quốc gia đang xảy ra xung đột, nhất là Syria và Libya, là ngừng bắn và tìm giải pháp giải quyết cuộc xung đột".
Chính phủ Syria hiện mới ghi nhận 10 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, song các chuyên gia y tế cảnh báo rằng nước Cộng hòa Trung Đông này - nơi đang chìm trong xung đột nhiều năm nay, rất dễ bị tổn thương, dịch Covid-19 có thể nhanh chóng lây lan. Tỉnh Idlib, khu vực Tây Bắc Syria, hiện đã ghi nhận ca nhiễm, cũng là nơi khoảng 1 triệu người đã phải sơ tán vì xung đột tính từ tháng 12/2019, là nơi có nguy cơ cao đặc biệt.
Trong khi đó, Libya vẫn chìm trong hỗn loạn từ năm 2011 sau khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ và bị chia rẽ giữa Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA, có trụ sở tại Tripoli) và lực lượng trung thành với tướng Khalifa Haftar, đặc trụ sở ở miền Đông. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Libya đang xuống cấp nghiêm trọng, dù cả hai phe phái đối lập đều đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.