OPEC vẫn lỗi hẹn với thỏa thuận đóng băng

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cùng một số nước ngoại khối đã kết thúc mà không đạt được kết quả nào.

 

Thành quả đạt được trong cuộc họp gần nhất của OPEC không nhiều, ngoại trừ việc thông qua tài liệu hoạch định chiến lược dài hạn. Lãnh đạo khối đã họp nhóm trong hai ngày cuối tuần qua tại Vienna, cùng các nước sản xuất khác ngoài khối như Nga, tuy nhiên chưa đưa ra được  điều kiện cụ thể nào. Trong khi Iran thậm chí chần chừ trước cả việc đóng băng sản lượng.

 

Cuối tháng này, các thành viên OPEC dự kiến sẽ gặp gỡ tại Vienna nhằm thúc đẩy đợt cắt giảm nguồn cung dầu đầu tiên trong 8 năm, kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 2008. Hội nghị bao gồm cả một số quốc gia sản xuất dầu lớn ngoại nhóm. Giá dầu Brent đã đẩy sâu mức suy giảm xuống dưới 50 USD/thùng trong phiên giao dịch đầu tuần nay.

Theo đại diện ngân hàng Goldman Sachs, một khi thỏa thuận vào cuối tháng 11 thất bại, giá dầu có thể lập mức giá thấp kỷ lục mới ở 40 USD/thùng. "Thiếu một hạn mức sản xuất dầu trong khi bất đồng giữa các thành viên OPEC lộ rõ cho thấy tương lai mù mịt của thỏa thuận hôm 30/11 tới” - theo các nhà phân tích của Goldman Sachs.

Trong trường hợp OPEC đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu, viễn cảnh thành công của thỏa thuận này vẫn còn là dấu hỏi lớn, theo Goldman Sachs. Sản lượng ”vàng đen” trong tháng 10 đã tăng mạnh sẽ khiến chính sách này không thể có hiệu lực ngay sau khi ban hành. Nguyên nhân sản lượng nhiên liệu này tăng mạnh trong tháng trước là Nigeria và Libya nối lại được các đầu mối sản xuất sau thời gian gián đoạn và Iraq tăng doanh số bán hàng ở nước ngoài. Theo một khảo sát của Reuters, sản lượng dầu tháng 10 đã đạt mức 33,82 triệu thùng mỗi ngày.

Bên ngoài nhóm OPEC còn có một số quốc gia khác nữa khai thác và xuất khẩu dầu lửa lớn, bao gồm Nga và Brazil. OPEC đã tìm cách lôi kéo các quốc gia này tham gia ổn định giá dầu và cũng đã bước đầu nhận được sự đồng tình. Bằng chứng là các nước này đã có tiếp xúc và trao đổi với OPEC cũng như tham gia hội nghị nói trên. Nhưng chưa nước nào trong số đó cam kết chắc chắn và cụ thể sẽ cắt giảm bao nhiêu thùng dầu khai thác hàng ngày. Brazil thậm chí còn viện dẫn là chính phủ không thể ép các hãng dầu tư nhân giảm hay tăng khối lượng khai thác. Trong khi đó, chính phủ Nga cho biết sản lượng dầu nước này được dự đoán sẽ tăng 0,7% trong năm 2017 và 0,9% trong năm 2018, theo ngân sách liên bang sơ bộ. Sản lượng dầu thô cũng được ước đoán sẽ chạm đỉnh cao mọi thời đại là 548 triệu tấn vào năm sau, so với mức 544 triệu tấn năm nay.

Thất bại trong cuộc họp cuối tuần qua là minh chứng rõ ràng cho thấy nội bộ OPEC vẫn chưa thống nhất, và buộc phải neo giá dầu bằng những cam kết mong manh. Nếu các nước xuất dầu vẫn theo đuổi những toan tính riêng, mục tiêu cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ mãi chỉ là một tham vọng.