Pakistan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự khi dự trữ chỉ đủ cho một tháng nhập khẩu, sự thiếu hụt đồng USD cũng như những trì trệ trong chương trình cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các nhà đầu tư vẫn lo ngại về khả năng trả nợ của quốc gia, với trái phiếu USD dài hạn tiếp tục giao dịch ở mức thấp mặc dù đã thanh toán trái phiếu trị giá 1 tỷ USD trong tháng này.
“Chúng tôi đang ở trong tình thế cực kỳ khó khăn khi mà vừa phải cố gắng quản lý các chỉ số kinh tế vĩ mô với IMF vừa mang các khoản cứu trợ đến với những người dân cần chúng ở Pakistan, cũng như phải lên kế hoạch tái thiết và phục hồi” - Ông Zardari cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Bloomberg ở Washington DC.
“Thật không may, truyền thông đã rời sự chú ý khỏi chúng tôi bất chấp tình trạng lũ lụt vẫn còn xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước này”- Ngoại trưởng Pakistan cho biết thêm.
Một đợt lũ lụt chưa từng có ở Pakistan vào mùa Hè vừa qua đã khiến hơn 1.700 người chết, gây ngập lụt hơn 1/3 diện tích quốc gia và làm sụt giảm một nửa tốc độ phát triển của quốc gia này. Lũ lụt đã gây thiệt hại khoảng 32 tỷ USD cho nền kinh tế quốc gia.
Liên Hợp quốc cho biết nhiều quốc gia trên thế giới đã không cung cấp đủ ngân sách cho Pakistan sau trận lũ lụt tàn khốc ở quốc gia này và điều đó có thể dẫn đến việc tạm dừng các chương trình hỗ trợ lương thực vào tháng tới.
Lời kêu gọi chung của Liên Hợp quốc và Pakistan chỉ mới thu được khoảng 30% trong tổng số tiền 816 triệu USD được yêu cầu. Họ sẽ tìm kiếm thêm nguồn viện trợ khác tại một hội nghị ở Geneva, Thụy Sĩ, dự kiến diễn ra vào ngày 9/1.
Pakistan không nhận được các khoản vay mới nhất từ IMF một cách kịp thời khi mà ngày càng kéo dài những cuộc đàm phán với cơ quan toàn cầu. Được biết khoản vay này được sử dụng trong năm nay nhằm phục hồi sau trận lũ lụt tàn khốc.
IMF cho biết hiện các cuộc đàm phán đã đạt được hiệu quả nhằm mở ra triển vọng phục hồi kinh tế vĩ mô sau lũ lụt – Ông Esther Perez Ruiz, đại diện thường trú tại Pakistan tuyên bố trong tháng này.
Ngoại trưởng Zardari cho biết: “Toàn bộ đất nước đều chung quan điểm rằng chúng tôi cần phải làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế để nhằm đưa ra những cải cách cơ bản đối với tổng thể của nền kinh tế gia”.
“Nhưng hiện tại, ưu tiên số một là những hỗ trợ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với những người đang trong tình trạng khó khăn” - Ông cho biết thêm.
Pakistan cũng đang phải đối mặt với sự bất ổn chính trị mới khi mà thành viên đối lập Imran Khan dự định giải tán hai trong số bốn hội đồng cấp tỉnh vào cuối tuần này để thúc đẩy Chính phủ thực hiện các cuộc bầu cử mới.
Chính phủ của Thủ tướng Shehbaz Sharif, lên nắm quyền vào tháng 4 sau khi lật đổ người tiền nhiệm Imran Khan trong một cuộc bỏ phiếu không tín nhiệm tại Quốc hội liên bang.