Kinhtedothi - Trong khi Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí quán quân trên Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015, TP Hồ Chí Minh tụt 2 bậc thì Hà Nội vẫn duy trì đà tăng từ vị trí 26 lên 24/63 tỉnh, TP (59 điểm). Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Hà Nội đạt được tính từ năm 2007 đến nay.
Chất lượng điều hành tiếp tục cải thiện
Kết quả này vừa được Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính thức đưa ra tại Lễ Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 tổ chức sáng 31/3 tại Hà Nội. Từ Bảng xếp hạng này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đánh giá: “Năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam phần lớn được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do vậy sự năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp, mẫn cán của bộ máy công chức các tỉnh, TP đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới”.
Cũng theo đánh giá của VCCI, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, TP năm 2015 tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện. Đăng ký DN, tiếp cận thông tin, cải cách thủ tục hành chính tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực năm vừa qua. Tuy nhiên, theo phản ánh của cộng đồng DN, chi phí không chính thức còn phổ biến, cùng môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng vẫn là những trở ngại chính.
Môi trường kinh doanh khởi sắc
Điều tra PCI 2015 ghi nhận dấu hiệu khởi sắc của môi trường kinh doanh Việt Nam. Tỷ lệ DN dân doanh tăng quy mô đầu tư vốn tiếp tục tăng nhẹ (10,9%), quy mô vốn trung bình của DN tăng cao, trung bình là 16,5 tỷ đồng, gấp đôi so với quy mô của năm 2006. Tỷ lệ DN tuyển dụng thêm lao động là 12%. Năm 2015, gần một nửa DN (49%) cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong thời gian tới, mức cao nhất trong vòng 5 năm công bố báo cáo PCI gần đây. Ngoài ra, kết quả điều tra riêng khu vực DN nhỏ và vừa cho thấy bộ phận DN này vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực như vốn, đất đai, cập nhật thông tin về chính sách và pháp luật, chịu gánh nặng lớn về chi phí không chính thức và chưa được hưởng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh có chất lượng với chi phí phù hợp... “Đáng lo ngại là quy mô DN càng lớn thì gánh nặng về thủ tục hành chính, thanh kiểm tra của các cơ quan Nhà nước địa phương lại càng gia tăng” – ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Cũng theo Báo cáo PCI 2015, từ cảm nhận của 1.584 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho thấy Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của DN nước ngoài vào quá trình hoạch định các chính sách cao và các mức thuế hợp lý... Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng của cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công (như y tế, giáo dục…). Theo kiến nghị của ông Michael A. Trueblood - Giám đốc Phòng Phát triển và Quản trị nhà nước, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID): “Các DN FDI đang lo ngại trước những rủi ro về kinh tế vĩ mô và những thay đổi trong quy định pháp luật hoặc thuế khiến lợi nhuận của họ có thể giảm sút. Tăng cường minh bạch thông tin là cách thức quan trọng nhằm giảm thiểu những lo ngại này”.
Ghi nhận nỗ lực của Hà Nội
Với 59 điểm, Hà Nội đã tăng 2 bậc lên vị trí 24/63 tỉnh, TP. Tăng nhẹ nhưng cho thấy Hà Nội vẫn đang duy trì xu hướng tăng trưởng về năng lực cạnh tranh. Lý giải về kết quả này, ông Trần Ngọc Nam – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã tập trung cải thiện, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Điểm sáng là trong lĩnh vực thành lập DN, thuế, hải quan, tín dụng, bảo hiểm xã hội, điện… Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thành lập mới DN từ 5 ngày xuống 3 ngày, trước 6 tháng theo quy định của Luật DN năm 2014. Bên cạnh đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên đã thực hiện vượt cả chỉ tiêu và thời gian theo Nghị quyết 19/NQ-CP về kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử và rút ngắn thời gian nộp thuế. Tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt 98,08% (Chính phủ giao 95%), chiếm gần 20% cả nước; tỷ lệ DN nộp thuế điện tử đạt 96,3% (Chính phủ giao 90%), chiếm trên 20% của cả nước; rút ngắn thời gian nộp thuế của DN còn 117 giờ/năm, vượt chỉ tiêu 121,5 giờ/năm. Thủ tục hải quan điện tử được thực hiện tại tất cả các chi cục Hải quan với tỷ lệ tờ khai chiếm 99,5% so với tổng số giờ khai phát sinh; kim ngạch chiếm 96,5% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu…
Tuy nhiên, phân tích ở từng chỉ số thành phần, Hà Nội lại xếp chót bảng xếp hạng ở hai chỉ số: Gia nhập thị trường (7,56 điểm), Tiếp cận đất đai (4,12 điểm). Ngoài ra, do chất lượng đường sá chưa tốt, cộng thêm nạn ùn tắc giao thông, chỉ số cơ sở hạ tầng của Hà Nội cũng không được xếp hạng cao. Trả lời báo Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Ngọc Thạch – Phó trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, đối với trường hợp Hà Nội cần phải nhìn nhận đây là địa phương có số lượng DN và nhà đầu tư rất lớn (số lượng DN thành lập mới đứng thứ 2 chỉ sau TP Hồ Chí Minh), các phòng đăng ký kinh doanh cũng đã hoạt động hết công suất nhưng dường như chưa được đánh giá cao. Về tiếp cận đất đai, cũng vì số lượng DN lớn nên nhu cầu sử dụng đất quá tăng nên rất khó có sự hỗ trợ một cách nhanh chóng, kịp thời từ chính quyền. “Nhưng dù phân tích thế nào thì yêu cầu đặt ra với Hà Nội vẫn phải là nâng cao chất lượng dịch vụ. Minh bạch mọi quyết định giao đất, quy hoạch đất… ngay từ đầu. Làm được điều này thì PCI của Hà Nội sẽ tăng điểm trong thời gian tới” – ông Thạch nhấn mạnh.
Khẳng định Hà Nội có quyết tâm rất cao trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh, đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, định hướng năm 2016 Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, quyết liệt, sâu sát với phương châm 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”. Đặc biệt, Hà Nội kiến nghị với Chính phủ cho TP được áp dụng một số cơ chế đặc thù trong giải quyết thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án như cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công ty (PPP). Bên cạnh đó, Thủ đô sẽ là địa phương đi đầu về ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và phục vụ người dân và DN, phấn đấu đi đầu cả nước về xây dựng chính quyền điện tử; giải quyết các công việc của cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông…
Về gia nhập thị trường, để cải thiện điểm số, Hà Nội đặt mục tiêu giải quyết hồ sơ đăng ký qua mạng chiếm 30 – 40% tổng số hồ sơ; đẩy mạnh xây dựng phần mềm dùng chung với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung toàn diện ở các lĩnh vực quản lý dân cư, quản lý đầu tư; công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo hình thức để DN dễ dàng tiếp cận thông tin…
Đại diện các tỉnh tốp 5 PCI 2015 nhận chứng nhận.
|
“Cải thiện năng lực cạnh tranh chính là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam phát triển thành công và toàn diện hơn.” - Ông Ted Osius - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam “Đội ngũ lãnh đạo mới của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có quyết tâm cải cách rất lớn. Hy vọng quyết tâm của lãnh đạo sẽ truyền đến toàn bộ đội ngũ cán bộ các cấp nhằm phục vụ người dân và DN một cách tốt nhất.” - Ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, VCCI |