Với sứ mệnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là đầu tàu kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước, sau 47 năm xây dựng và trưởng thành (3/9/1975 - 3/9/2022), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện cả về quy mô và chiều sâu, hoàn chỉnh đồng bộ từ khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, đến công nghiệp khí, lọc hóa dầu, điện, khí, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng khẳng định, thông qua quản trị hiệu quả trên cơ sở thực hiện đồng bộ chuyển đổi số, quản trị biến động, quản trị danh mục đầu tư, quản trị chuỗi liên kết; Tập đoàn đã thực sự trở thành tập đoàn kinh tế mạnh trong nước và quốc tế, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Petrovietnam thực sự giữ vai trò xương sống về an ninh năng lượng (thăm dò khai thác, chế biến dầu - khí), an ninh lương thực (sản xuất, cung ứng phân bón phục vụ nông nghiệp), an ninh kinh tế (đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia) và cả cho an ninh quốc phòng (tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển).
Bài 1: An ninh năng lượng là mục tiêu xuyên suốt
Thành tựu lớn nhất mà Petrovietnam đạt được là không ngừng tích cực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và gia tăng trữ lượng dầu khí nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp, đầu vào cho nền kinh tế - xã hội.
Bảo đảm an ninh năng lượng ở Việt Nam được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ quan điểm “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội”.
Dầu khí luôn là nguồn năng lượng chính đảm bảo cho sự ổn định của các hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dân sinh. Một trong những thành tựu lớn nhất mà Petrovietnam đạt được trong nhiều năm qua là không ngừng tích cực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và gia tăng trữ lượng dầu khí nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp, đầu vào cho các hoạt động sản xuất công nghiệp.
Tại Lễ khánh thành Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1 vào giữa tháng 7/2022 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, Petrovietnam có đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thông qua các dự án nhiệt điện trọng điểm mà NMNĐ Sông Hậu 1 là minh chứng mới nhất; đảm bảo 1 trong 5 cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành những nước đứng đầu ASEAN trong cung cấp nguồn điện, phục vụ đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng.
Như vậy, trong lĩnh vực sản xuất điện, hiện Petrovietnam đã đưa vào vận hành an toàn, ổn định 2 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 2.400MW (Sông Hậu 1 và Vũng Áng 1); 4 nhà máy nhiệt điện khí với tổng công suất 2.700MW (Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2); 2 nhà máy thủy điện với tổng công suất 305MW (Hủa Na, Đakđrinh).
Tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện của Petrovietnam tới 5.405MW, chiếm hơn 7% tổng công suất lắp đặt và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện phát trong toàn hệ thống điện quốc gia. Kết quả đó khẳng định vững chắc vai trò và vị thế của Petrovietnam với tư cách là nhà sản xuất điện lớn thứ hai tại Việt Nam.
Trong bối cảnh giá xăng dầu lên cao, nguồn cung xăng dầu trên thế giới khan hiếm, việc xây dựng và quản trị chuỗi liên kết trong ngành Dầu khí càng có ý nghĩ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất dưới sự phối hợp hỗ trợ của các đơn vị từ khâu đầu đến khâu cuối thuộc Petrovietnam luôn đảm bảo được cung cấp đủ dầu thô để vận hành liên tục, an toàn và hiệu quả ở mức 100 - 110% công suất, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Theo TS Nguyễn Đức Hiển - Phó Ban Kinh tế Trung ương, ngày nay an ninh năng lượng đã được tiếp cận hiểu theo cách phi truyền thống. Nghĩa là, cần hiểu trên bối cảnh rộng hơn, không chỉ tập trung vào các mối đe dọa an ninh gây ra bởi sự gián đoạn đột ngột, sự tan rã và biến động giá cả từ các thao túng của những thỏa thuận cung cấp năng lượng hiện có như cách tiếp cận an ninh năng lượng truyền thống; mà bao gồm cả việc tiêu thụ, sự khan hiếm và phân bổ tài nguyên năng lượng không cân bằng, cũng như việc xử lý các thảm họa, nhất là về môi trường.
Dựa vào những tiêu chí này, NMLD Dung Quất đang thể hiện tốt vai trò của mình trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Trước đây, khi chưa có NMLD Dung Quất thì sau khi khai thác được dầu thô, Việt Nam sẽ phải bán cho các nước có ngành lọc, hóa dầu phát triển và mua lại các sản phẩm xăng, dầu… đã được lọc từ họ.
Việc này giống như việc “bán thô, mua tinh”, đồng nghĩa với việc bán rẻ, mua đắt, gây khó khăn trong việc dự trữ ngoại hối của đất nước và quan trọng hơn là không tự chủ được an ninh năng lượng quốc gia. Nếu một ngày đất nước có chiến tranh hoặc biến động về địa chính trị; nguồn cung xăng, dầu từ bên ngoài bị gián đoạn thì vai trò của NMLD lại càng rất quan trọng.
Đến nay, Petrovietnam đã khai thác cả trong và ngoài nước được 441,5 triệu tấn dầu và 174,7 tỷ m3 khí, để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), 55 triệu tấn sản phẩm dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu xăng dầu), đáp ứng 70% nhu cầu LPG, 90% condensate.
Tỷ trọng đóng góp của dầu khí trong cơ cấu năng lượng Việt Nam chiếm bình quân 40% tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay.
Số liệu mới nhất tiếp tục cho thấy, trong 7 tháng qua, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước suy giảm nghiêm trọng, ngành dầu khí vẫn duy trì tăng trưởng.
Trong đó, khai thác dầu thô trong toàn Tập đoàn đạt 0,9 triệu tấn, vượt 19% kế hoạch tháng 7; tính chung 7 tháng đạt 6,38 triệu tấn, vượt 22% kế hoạch 7 tháng và bằng 73% kế hoạch năm 2022. Cùng với đó, sản xuất xăng dầu 7 tháng vượt 8% kế hoạch, sản xuất đạm vượt 9% kế hoạch. Sản xuất, cung ứng khí, điện, các sản phẩm năng lượng khác của Tập đoàn đều ở mức cao, đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
(Còn nữa)
Bài 2: An ninh lương thực cho mùa vàng bội thu