Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi: Minh bạch dòng tiền để tiệm cận vay tín chấp

Khắc Kiên thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết T.Ư 5 đã xác định, phát triển kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế, nhiều chủ trương, chính sách được ban hành để hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh, trong đó phải kể đến xu thế dịch chuyển của các ngân hàng (NH) với việc nới lỏng cơ chế cho vay tín chấp để khu vực này phát triển sản xuất, kinh doanh.

 
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - Chuyên gia tài chính ngân hàng đưa ra nhận định: Từ trước đến nay chỉ có các DN lớn mới có thể tiếp cận được các gói vay tín chấp của các NH thương mại, tuy nhiên hiện đang có sự dịch chuyển sang các DNNVV. Điều đó cũng chính là động thái, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Tạo niềm tin giữa hai bên

Vậy, bà đánh giá như thế nào về sự dịch chuyển này?

- Việc cho vay có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo đã được quy định bằng các văn bản từ trước đến nay rồi. Trước đây, NH chủ yếu cho các DN lớn vay, bởi các DN này có một lịch sử hình thành khá lâu và tạo được uy tín đối với NH trong việc vay vốn, trả nợ và sử dụng các dịch vụ NH. Do đó, các DN trước đây thường vay tín chấp, tức là vay không có tài sản đảm bảo mà dựa vào uy tín và vị thế của DN.
Tuy nhiên gần đây, các NH đã bắt đầu có sự dịch chuyển cho các DNNVV vay dưới dạng tín chấp, còn cho vay có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo thì vấn đề quan trọng nhất là xác định được dòng tiền. Một khi xác định được dòng tiền thì không chỉ DNNVV vay được tín chấp mà các DN siêu nhỏ cũng có thể vay được tín chấp. Để xác định được dòng tiền thì đầu tiên phải xác định được dự án vay vốn, hiệu quả của phương án vay vốn, lúc đó tài sản đảm bảo khoản vay không có ý nghĩa nhiều trong việc vay tín dụng.

Theo bà, khu vực kinh tế tư nhân, trực tiếp là các DNNVV và các hộ kinh doanh muốn vay tín chấp cần lưu ý những vấn đề gì?

- Như tôi đã nói, vay tiền của các tổ chức tín dụng thì vấn đề quan trọng hàng đầu là dự án, phương án sản xuất phải có hiệu quả, một khi xác định được phương án sản xuất có hiệu quả thì rõ ràng sẽ xem xét được dòng tiền, và việc đến hạn có thể trả được gốc và lãi hay không. Song DNNVV, hay DN siêu nhỏ và hộ gia đình làm thế nào minh chứng được vấn đề này thì đây là cả một quá trình. Do đó, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang DN để có thể tận dụng được lợi thế, cũng như tính minh bạch trong hoạt động, tránh tình trạng mà doanh thu của DNNVV vào rất nhiều, nhưng bằng cách này hay cách khác chúng ta không phản ánh hết. DN cần lý giải, minh chứng điều này rõ để NH có thể thấy được dòng tiền vào của DN là bình thường. Khi minh chứng được điều này, kể cả đối với DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ sẽ không có một NH nào đòi thế chấp.
Giao dịch tại Chi nhánh VietinBank Thanh Xuân. Ảnh: Chiến Công 
Theo tôi, khó khăn của DNNVV hiện nay đó là tài sản đảm bảo quyền vay, nhưng khắc phục được vấn đề dòng tiền vào thì DN sẽ tiếp cận được vốn của các NH thương mại. Khi đó, DN và NH dần dần có được điểm tiếp cận chung, chứ không phải đi trên hai đường thẳng, khi cần thiết vốn thì có thể đến NH và ngân hàng có thể đáp ứng vốn cho DN có điều kiện sản xuất kinh doanh.

Thực tế, tính minh bạch dòng tiền của các DNNVV Việt Nam thường không tốt, việc mở rộng cho vay tín chấp như vậy liệu NH có quá rủi ro không, thưa bà?

- Một khi cho vay tín chấp ở một chừng mực nhất định thì NH sẽ phải xem xét một cách thận trọng, đến hạn mà DN không trả được nợ thì tài sản đảm bảo là nguồn thu nợ thứ hai. Khi đã sử dụng đến nguồn thu nợ thứ hai để thu nợ thì quan hệ giữa DN và NH sẽ không còn gì. Đối với các NH thì đây là những trường hợp chẳng đừng, bởi phải xem xét một cách thấu đáo hơn hiệu quả kinh doanh của chính DN đó.

Để xác định được vấn đề này trong khi tính minh bạch của DN còn hạn chế, tôi cho rằng DN cần phải nhận thức rõ vấn đề minh bạch trong hoạt động, nhất là minh bạch trong hoạt động tài chính kế toán. Việc của DN là làm thế nào để NH nhận thức rõ được vấn đề này và tạo niềm tin giữa hai bên. Khi đã xây dựng niềm tin, uy tín với NH, việc cho vay tín chấp sẽ trở thành hiện thực, chứ không phải đôi khi DN nói vay tín chấp còn xa vời. Tôi cho là trong bối cảnh hiện nay, NH rất cần thiết cho DN vay và DN rất cần vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nhưng chỉ DN tạo được lòng tin với ngân hàng thì việc vay tín chấp mới trở thành hiện thực.

Về phía NH, một khi chấp nhận cho DN vay tín chấp sẽ phải tăng cường quản lý rủi ro bằng cách theo dõi sát sao hơn hoạt động của DN. Khi DN gặp khó khăn sẽ có biện pháp cùng tháo gỡ để các dòng tiền đi đúng hướng và đạt hiệu quả cao, để đến hạn NH có thể thu được cả lãi và gốc.

Mục tiêu có thể đạt

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 cố gắng đạt hơn 20%, theo bà để hoàn thành kế hoạch này cần có giải pháp gì?

- Theo tôi được biết, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH Việt Nam đã cao hơn cùng kỳ năm trước với một tỷ lệ rất tích cực. Vấn đề đặt ra từ nay đến cuối năm, tăng trưởng GDP đạt trên 7%, cả năm tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,7%. Ở một chừng mực nào đó, không phải tăng trưởng chỉ dựa vào vốn, nhưng cũng phải khẳng định một điều, không có vốn thì không hỗ trợ tăng trưởng được.

Vừa qua, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 21 - 22% thay vì mục tiêu 18 - 19% đặt ra trước đó, tôi cho rằng với mức tăng trưởng như hiện nay con số này cũng rất dễ đạt được. Bởi bản thân ngành NH cũng rất muốn tăng trưởng, chỉ có điều tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với chất lượng tăng trưởng, chỉ khi có tăng trưởng tín dụng thì ngành NH mới có điều kiện thu lợi nhuận. Cho đến nay, các NH lợi nhuận tạo ra cũng 80 - 90% từ hoạt động tín dụng. Việc nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 21 - 22%, các NH hoàn toàn có thể làm được. Vấn đề đặt ra ở đây là tăng trưởng vào đâu, tăng trưởng như thế nào để hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, cũng chính là hỗ trợ cho DN trong vấn đề sản xuất kinh doanh, tăng trưởng xã hội để cùng tạo động lực cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mấy tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng khá cao, trong khi tăng trưởng kinh tế lại thấp, theo bà đây có phải là nghịch lý và điều đó có gây ra những rủi ro gì không?

- Về vấn đề này, hiện cũng có khá nhiều công trình nghiên cứu về tăng trưởng tín dụng cao nhưng tăng trưởng kinh tế thấp, cũng tương tự như vậy DN thành lập rất nhiều nhưng đóng góp của cộng đồng DN chưa đạt được như mong muốn, tôi cho rằng vấn đề này cần được xem xét ở nhiều khía cạnh. Đôi khi, độ trễ của chính sách không phải cứ đưa vốn vào nền kinh tế sẽ đem lại hiệu quả ngay tức thì. Bởi, những trường hợp có độ chễ ít thì một vài tháng, nhiều thì 2 - 3 quý, thậm chí có những cơ chế chính sách có độ chễ hàng năm. Tuy nhiên, tôi tin rằng với tốc độ tăng trưởng tín dụng như 8 tháng qua, trong quý IV/2017 này được đẩy nhanh lên một chút, với những hiệu ứng tích cực mang lại sẽ dễ dàng đạt được những kết quả như mong muốn.

Phải nói thêm một chút, tăng trưởng tín dụng hỗ trợ và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, nhưng không phải cứ tăng trưởng tín dụng lên 1% thì tăng trưởng kinh tế cũng tăng trưởng lên như vậy mà nó còn phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề.

Xin cảm ơn bà!

"Vấn đề tất yếu là tăng trưởng tín dụng đặt ra 21 - 22% trong khi từ nay đến cuối năm chỉ còn mấy tháng, điều đó cho thấy phải xác định rõ biện pháp để thúc đẩy vấn đề tăng trưởng này. Cái chính là đầu tư vào khu vực kinh tế thực, hay chính là khu vực kinh tế tư nhân chiếm phần đông các DNNVV, DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh để tăng trưởng tín dụng đưa lại hiệu quả tích cực đối với nền kinh tế." - PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - Chuyên gia tài chính ngân hàng