Ông đánh giá như thế nào về quy luật đặt tên đường phố của Hà Nội từ đời Thị trưởng Trần Văn Lai. Cách bố trí, sắp xếp tên đường phố có hợp lý, đặc biệt tên danh nhân?
- Truyền thống đặt tên đường phố ở Hà Nội có từ khi người Pháp xây dựng Hà Nội thành một đô thị hiện đại. Những nguyên tắc cơ bản đặt tên phố, đánh số nhà đã được thiết lập từ buổi đầu thuộc địa. Họ lấy tên những người Pháp có công xâm chiếm và cai trị Đông Dương, Hà Nội, để đặt tên cho đường phố. Tôi đánh giá cao Thị trưởng Trần Văn Lai là người mở đầu đổi tên đường phố, đưa tên các nhân vật lịch sử Việt Nam vào mạng lưới tên đường phố Hà Nội. Đó là một quyết định đầy lòng yêu nước và tự hào dân tộc vào thời điểm lịch sử quan trọng ấy.Nước Mỹ hơn 200 năm qua có biết bao nhân vật gây dựng và phát triển đất nước này. Chắc hẳn họ không thiếu tên nhân vật cho việc đặt tên đường phố. Nhưng họ có cách đặt tên phố kết hợp giữa tên nhân vật và tên bằng số, cùng với việc định hướng Đông, Tây, Nam, Bắc trong bối cảnh quy hoạch đường phố theo ô bàn cờ, có trục ngang và trục dọc, rất hợp lý, dễ tìm. Khách du lịch sử dụng bản đồ để tìm đường phố vô cùng nhanh chóng. Tôi nghĩ các khu đô thị mới nên tham khảo, nghiên cứu kỹ cách đặt tên này để vận dụng cho phù hợp.Hà Nội có nhiều tên đường phố trùng nhau, lý do là Hà Nội mở rộng địa giới hành chính nên các vùng Hà Tây cũ và Hà Nội có nhiều tên danh nhân được sử dụng. Theo ông có nên đổi lại để nhất quán? - Một TP không nên có tên phố trùng nhau, rất bất tiện cho người sử dụng. Hà Nội (cũ), Hà Đông, Sơn Tây thuộc Hà Tây (cũ) có nhiều tên phố trùng do lịch sử để lại. Tôi nghĩ nên giữ nguyên trạng, không nên thay đổi tên sẽ phiền phức cho người dân. Các tên phố mới ở các đô thị này sẽ tuyệt đối không được trùng. Quỹ tên phố có hạn nên tăng cường sử dụng các địa danh của làng quê cũ. Tên xưa của các làng, các xứ đồng rất hay, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Làng cổ nào cũng có tên nôm như “Kẻ Đăm” (làng Đăm), “Kẻ Sai” (làng Lai Xá), “Kẻ Noi” (Cổ Nhuế), “Kẻ Mọc” (làng Nhân Mục), “Kẻ Vẽ” (làng Đông Ngạc)... Tại sao không sử dụng các tên cổ đó đặt cho tên phố ở các khu đô thị mới dựng trên đất cũ của làng?Tôi đã từng đi qua nhiều tỉnh, ở vùng biên giới. Mới đây trở lại Phú Thọ, tôi cứ băn khoăn mãi về cách đặt tên các đơn vị cơ sở ở địa phương. Giờ chỉ còn thấy tên: Khu 1, khu 2, khu 3... rồi các tổ cũng đánh số. Tên làng, tên xóm xưa biến mất. Gần như đó là một quy định lâu nay. Các địa danh lịch sử dần bị biến mất. Các địa danh thôn xóm thời Lý, Trần, Lê... ghi trong sử sách, với cách đặt tên mới bị thủ tiêu. Trên dọc tuyến biên giới Việt - Trung cũng đặt tên mới nhiều quá. Tên cổ, tên địa danh cấp cơ sở mất đi nhanh chóng. Tên cổ là một loại mốc biên giới trong lịch sử, trong bản đồ, trong ký ức cần khuyến khích trong ngân hàng dữ liệu tên đường phố, tên đơn vị hành chính cơ sở mà không nên thay thế bằng tên theo số thứ tự hay các tên mới phần nhiều từ Hán - Việt.
Gần đây, có nhiều thân nhân của danh nhân được đề xuất đặt tên đường đều mong mỏi tên người thân được đặt ở những con đường lớn. Ông có ý kiến gì về việc này? - Việc đặt tên đường phố ở các đô thị là công việc thuần túy hành chính, có tính chất quản lý đô thị, không cần và không nên gắn với gia đình của nhân vật được đặt tên. TP đặt tên đường phố là việc của chính quyền, không nên tham khảo gia đình có liên quan và các gia đình có liên quan cũng không nên đòi hỏi việc này. Trường hợp tên đường Nguyễn Văn Huyên, gia đình chúng tôi không được hỏi ý kiến và cũng không thấy mời gia đình đến dự buổi gắn tên biển. Khi Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khai trương, con đường này được làm để phục vụ việc khai trương này. Lúc bấy giờ, Tổng thống Pháp Jacque Chirac đã đọc diễn văn và cắt băng khánh thành bảo tàng cùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, với sự hiện diện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lãnh đạo TP Hà Nội. Trong diễn văn, Tổng thống Pháp có nhắc đến tên Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên như nhà dân tộc học hàng đầu của Việt Nam. Sau đó ít lâu, TP quyết định tên cho con đường này. Đó là một quyết định hợp tình và hợp lý.Khi mới đặt tên đường Nguyễn Văn Huyên, con đường có được đẹp như bây giờ? Nếu tính về công trạng theo ông đã tương xứng chưa?- Khi Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được khai trương thì cùng lúc con đường vào Bảo tàng cũng dần hình thành, lúc đầu là đường cụt, nhiều năm sau trở thành một ngã tư quan trọng vừa thông ra đường Cầu Giấy và Hoàng Quốc Việt, vừa kết nối với đường Nguyễn Khánh Toàn. Con đường tuy còn một đoạn khoảng 200 - 300m nối ra đường Hoàng Quốc Việt hơn 20 năm vẫn chưa được giải tỏa nhưng vẫn là một con đường đẹp của Thủ đô. Tôi nghĩ tên đường phố chức năng chủ yếu là để giúp nhận diện nơi cư trú của cư dân và quản lý đô thị, không nên sa đà vào suy xét công trạng trong việc đặt tên đường phố sẽ gây ra nhiều phiền luỵ.Xin cảm ơn ông!
Phố Liễu Giai, quận Ba Đình. Ảnh: Chiến Công |