Thoát nghèo không bền vững
Trong 3 năm trước đây, chủ đề của Ngày Lương thực thế giới tập trung nhiều vào phương pháp canh tác của các hộ nông dân, nhất là hộ sản xuất nhỏ nhằm xây dựng hệ thống đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, chủ đề "An sinh xã hội và nông nghiệp: Phá vỡ vòng xoáy đói nghèo ở nông thôn" của năm 2015 đã cho thấy, vấn nạn đói nghèo đã thực sự trở thành mối đe dọa nhiều quốc gia trên thế giới. Những năm qua, Việt Nam được đánh giá là quốc gia đạt được nhiều thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo, hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói nghèo trước thời hạn. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh chóng từ 58,1% năm 1993 xuống còn 9,6% năm 2012, và năm 2014 chỉ còn 6%.
Mặc dù thu nhập hộ gia đình nông thôn đã tăng lên nhưng tỷ lệ tăng không nhiều và nếu đi sâu vào nghiên cứu thấy rõ, phân bổ thu nhập không đều giữa các vùng, nhóm dân tộc khác nhau, thậm chí có nơi bị nghèo đi. Kết quả điều tra đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam tại 12 tỉnh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) công bố mới đây đã phản ánh rõ thực trạng này. Trong khi một số địa phương như tỉnh Long An và khu vực Hà Tây (cũ) có tỷ lệ hộ nghèo rất thấp, lần lượt là 4,8% và 7,8%, thì tại Lào Cai, Điện Biên, tỷ lệ hộ nghèo lên tới trên 30%. Đáng chú ý, một số địa phương có tỷ lệ hộ chuyển từ không nghèo năm 2012 sang nghèo năm 2014 lên tới gần 20%.
Ông Lưu Đức Khải - Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (CIEM) lý giải, tình trạng các hộ dân nông thôn thoát nghèo không bền vững là do việc phát triển kinh tế kém ổn định, thu nhập bấp bênh. Hơn nữa, nông dân dễ gặp rủi ro do thiên tai, bão lụt, dịch bệnh và tác động bởi thị trường tiêu thụ bất ổn. Phần lớn các hộ dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển kinh tế bất lợi hơn cư dân đồng bằng về kỹ năng, trình độ, chi phí lao động...
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2015, cả nước có 227.800 lượt hộ thiếu đói, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 938.700 lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 27,3%. Mặc dù số người thiếu đói giảm, song nhìn vào con số tuyệt đối trên, chúng ta vẫn chưa thể vội mừng. Thực tế, ở khu vực nông thôn, thu nhập chính của nhiều hộ dân phần lớn vẫn từ nông nghiệp, nhưng hoạt động này lại gặp nhiều rào cản do đất đai manh mún, khó tổ chức sản xuất hàng hóa, bền vững. Do đó, để có thể phá vỡ vòng xoáy đói nghèo ở nông thôn, ngoài các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, cần phải có chính sách đủ mạnh tạo đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp, nhất là theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, môi trường kinh doanh ở nông thôn hiện còn nhiều bất cập. Hộ nông dân "mắc" một loạt vấn đề như thị trường đầu vào, đầu ra, máy móc, vốn, nếu không có DN vừa và nhỏ liên kết thì khó vực dậy. Do đó, phải có chương trình riêng cho DN khởi nghiệp ở nông thôn gắn với quỹ hỗ trợ hay chính sách bảo hiểm cho đối tượng này. Đại diện một số tổ chức quốc tế cũng khuyến cáo, Việt Nam cần cải thiện môi trường chính sách để thu hút các nguồn vốn đầu tư giúp ngành nông nghiệp nắm bắt được cơ hội từ hội nhập và nhu cầu lương thực ngày một gia tăng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, với chủ đề của Ngày Lương thực thế giới năm nay, Việt Nam đang nỗ lực hành động để hướng tới mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành một hệ thống an sinh xã hội bao phủ toàn dân, nhằm bảo đảm để người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu. Đồng thời hỗ trợ, đảm bảo cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi thu thập thấp, người khuyết tật, người nghèo… tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản.
Mô hình sản xuất lúa hàng hóa tại xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức.
Ngày 15/10, tại tỉnh Lào Cai, Bộ NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) tổ chức kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới lần thứ 35. Đại diện FAO tại Việt Nam nhấn mạnh, đa số những người nghèo và đói đều sống ở các vùng nông thôn và phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc kết hợp an sinh xã hội với các chương trình phát triển nông nghiệp có ý nghĩa tích cực nhằm phá vỡ vòng xoáy đói nghèo ở nông thôn. |