Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phải có chế tài ràng buộc để tránh “đẻ” quy định riêng trong hoạt động vận tải

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các địa phương đang dần nới lỏng và đi đến tháo dỡ quy định giãn cách xã hội khi dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát. Vậy đâu sẽ là kịch bản tối ưu cho vận tải qua các địa phương thời kỳ sau giãn cách?

Các DN vận tải hành khách bằng ô tô đang tích cực chuẩn bị cho thời điểm hoạt động trở lại sau giãn cách (Ảnh: Lê Anh).
Trăm mối lo đổ đầu doanh nghiệp vận tải

Ngày 21/9 sẽ là ngày cuối cùng trong đợt giãn cách xã hội phòng, chống Covid-19 mà TP Hà Nội đang áp dụng. Với việc dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt, khả năng TP nới lỏng và đi đến tháo dỡ quy định giãn cách xã hội là tương đối lớn.

Cũng như hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng ô tô khác, Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh bắt đầu rục rịch các công tác chuẩn bị cho ngày đội xe được lăn bánh trở lại. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đến nay, đây là lần nghỉ dịch lâu nhất và cũng mang đến nhiều thay đổi lớn nhất đối với nhà xe Ninh Quỳnh.

“Nghỉ dịch quá dài, nhiều anh em lái xe đã xin nghỉ việc để tìm kế mưu sinh khác. Dù không muốn chia tay bất  kỳ ai sau một thời gian dài làm việc với nhau nhưng chúng tôi vẫn buộc phải tôn trọng quyết định của anh em. Đằng sau họ là cả một gia đình và trên vai họ là gánh nặng mưu sinh ngày một lớn hơn vì dịch bệnh” – ông Nguyễn Duy Ninh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh nói trong tiếng thở dài.

Về phía DN vận tải, lần chuẩn bị này của các nhà xe có nhiều việc phải làm hơn hẳn trước đây, bởi gần như phải làm lại từ đầu, đặc biệt là đội ngũ lái xe sẽ phải tuyển lại rất nhiều. Rồi đến việc xây dựng phương án tài chính, kế hoạch kinh doanh sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới và nhất là vừa vặn với túi tiền ngày càng eo hẹp của DN. Đại diện nhiều nhà xe tâm sự: “Thời gian nghỉ dịch vừa qua, trong khi anh em lái xe nghỉ làm thì chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Nay chạy chỗ này xin khất nợ, mai chạy chỗ kia xin vay tiền. Tôi đã phải sử dụng tất cả mối quan hệ mình có để xoay sở vốn cho công ty hoạt động”.

Tuy nhiên, tiền bạc không phải là nỗi lo duy nhất của phần lớn các DN vận tải từ hành khách đến hàng hóa. Nỗi lo lớn nhất mà họ nhắc tới là hoạt động vận tải sẽ được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước hay không hay lại mỗi nơi một kiểu, mỗi tỉnh thành lại kiểm dịch theo một cách khác nhau. “Chúng tôi là DN vận tải liên tỉnh, đương nhiên đây là điều rất quan trọng. Nếu kịch bản tổ chức hoạt động vận tải không thống nhất trên cả nước mà mỗi nơi làm theo một cách khác nhau thì DN vận tải như chúng tôi sẽ bị mắc kẹt ở giữa. Cứ nhìn vào vận tải hàng hóa qua một số tỉnh, TP trong thời gian qua là rõ” – đại diện một DN nhận xét.

Cần có chế tài ràng buộc để tránh địa phương ''đẻ'' ra các quy định riêng (Ảnh: Lê Thanh).

Phải có chế tài ràng buộc để tránh “đẻ” quy định riêng

Lo lắng trên của cộng đồng DN vận tải không phải không có cơ sở, bởi thời gian qua, không ít địa phương đã tự “đẻ” ra những quy định riêng làm khó DN vận tải. Điển hình là TP Cần Thơ. Địa phương này có văn bản yêu cầu tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu từ các tỉnh, thành khác đến giao nhận hàng hóa đều phải được đăng ký trước và phải trung chuyển hàng hóa, dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông.

Tình trạng nghiêm trọng đến mức, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã phải lên tiếng, yêu cầu TP Cần Thơ phải dừng ngay. Việc TP Cần Thơ và một số địa phương đưa thêm các quy định là trái với chỉ đạo của Chính phủ.

Mới nhất, để chuẩn bị cho kịch bản tổ chức hoạt động vận tải sau giãn cách, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản đề nghị Sở GTVT các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, khẩn trương báo cáo UBND tỉnh, TP tiến hành kiểm tra, rà soát, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo địa phương bãi bỏ các văn bản, quy định có những “cách làm riêng” trong phòng dịch đối với vận tải hàng hóa bằng xe ô tô chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1102 và Công điện số 12 của Bộ trưởng Bộ GTVT. Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, các địa phương khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh, TP bãi bỏ quy định không đúng chỉ đạo trên về kiểm soát dịch đối với vận tải hàng hóa.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế&Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam ra văn bản “nắn gân” các địa phương nhằm tránh việc “đẻ” thêm những quy định riêng làm khó cho hoạt động vận tải là cần thiết, nhưng chưa đủ. Theo chuyên gia giao thông này, việc các địa phương đưa ra những quy định riêng được ngầm hiểu là do họ quá lo lắng trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn nên cố tình tạo ra thêm lớp phòng bị bằng những quy định riêng. Tuy nhiên, cách làm trên vô tình vừa làm khó DN vận tải vừa khiến cho chính địa phương đó gặp khó.

“Hoạt động vận tải có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của các địa phương. Khi dịch bệnh bùng phát, đây là con đường tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho địa phương có dịch. Khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động vận tải sẽ là đòn bẩy để địa phương phục hồi sản xuất, kinh doanh” – TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích và khẳng định, bất cứ quy định nào không phù hợp, trở thành rào cản cho hoạt động vận tải cũng phải được xóa bỏ triệt để.

Rút kinh nghiệm những bất cập phát sinh từ vấn đề trên, TS Nguyễn Xuân Thủy cũng như nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, song song với việc xây dựng kịch bản tổ chức hoạt động vận tải sau giãn cách, cần có một chế tài xử phạt cụ thể đối với những địa phương cố tình “đẻ” ra các quy định riêng làm khó hoạt động vận tải.