70 năm giải phóng Thủ đô

Để giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực giao thông tại Hà Nội:

Phải hạn chế phương tiện cá nhân

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi  - Tốc độ dân số phát triển tỷ lệ thuận với đô thị hóa, tạo cho Hà Nội nhiều tiềm lực về phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng kéo theo đó là số lượng phương tiện giao thông tăng cao, gây nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường.

Áp lực ô nhiễm

Ngày 7/1/2022, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon được Chính phủ ban hành. Nghị định bao gồm 4 Chương, 35 Điều quy định, trong đó nhấn mạnh các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon. Riêng với ngành GTVT, Bộ GTVT đề ra mục tiêu giảm thiểu tiêu thụ năng lượng giai đoạn đến năm 2030 là 37,5 triệu tấn C02. Theo báo cáo của Bộ GTVT, nguồn phát thải chính có liên quan đến các hoạt động hàng không, đường bộ, đường thủy và đường sắt.

Tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giúp giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hải Linh
Tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giúp giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hải Linh

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia chuyên đề “Môi trường đô thị” của Bộ TN&MT cho thấy, áp lực ô nhiễm môi trường không khí tại đô thị chủ yếu do các phương tiện giao thông, với tổng lượng phát thải gây ô nhiễm không khí và các khí thải độc hại như SO2, NO2, CO, khói bụi cao nhất trong các danh mục.

Tại Hà Nội, Ban ATGT TP cho biết, theo thống kê toàn TP hiện có xấp xỉ 7,5 triệu phương tiện giao thông, chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Hàng năm, Ban ATGT TP phối hợp với các cơ quan, tổ chức tuyên truyền vận động người dân tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giúp giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Năm 2021, Ban ATGT TP đã tổ chức 57 hội nghị tuyên truyền cho trên 17.000 lượt người dân trên địa bàn các quận, huyện, thị xã thông qua hình thức trực tiếp, trực tiếp kết hợp trực tuyến, đảm bảo theo quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời TP cũng đang triển khai đồng bộ các hệ thống môi trường khung, vành đai xanh nhằm tạo cảnh quan đô thị thân thiện, vừa dựng lên những bộ lọc không khí tự nhiên cho môi trường Hà Nội.

Mở rộng giao thông công cộng

Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT Nguyễn Thị Phương Hiền, biện pháp hiệu quả nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT là sử dụng phương tiện, nhiên liệu và tiêu chuẩn phát thải mới, chuyển đổi vận tải hành khách cá nhân sang công cộng (gồm mở rộng hệ thống xe buýt, buýt nhanh BRT, hệ thống metro). Cùng với đó, chuyển đổi vận tải hàng hóa đường bộ sang vận tải ven biển, đường sắt, đường thủy nội địa, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học E5/E10, xe máy điện, xe buýt CNG, xe buýt điện…

"Mặt khác, cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để chuyển từ vận tải hàng hóa đường bộ sang đường thủy và đường sắt. Đồng thời ủng hộ chủ trương của TP Hà Nội trong việc giảm dần và không sử dụng xe máy trong nội thành đến năm 2030, trước mắt quản lý và kiểm tra chất lượng xe máy để loại các xe không bảo đảm chất lượng an toàn, vệ sinh môi trường…" - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT Nguyễn Thị Phương Hiền bày tỏ.

Nhận định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cần thực hiện, trong những năm qua, Hà Nội đã và đang nỗ lực triển khai nhóm đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Qua đó, tạo lộ trình thực hiện Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới không cần thiết đi vào…

Xoay quanh vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, với hệ thống giao thông công cộng như buýt BRT, tàu điện... đang được triển khai và mở rộng, Hà Nội cho thấy nỗ lực tạo ra khung giao thông công cộng nhiều hơn nhằm phục vụ người dân, từ đó góp phần giảm khí thải từ phương tiện cá nhân.

“Giảm phát thải khí nhà kính có liên quan mật thiết đến thói quen giao thông của người dân, trong đó hạn chế phương tiện là giải pháp bắt buộc phải thực hiện. Để làm được điều đó, TP Hà Nội cũng cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện (sử dụng điện, CNG) với môi trường” – chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng cho biết.

 

Trong chuyến thăm tới Việt Nam (13 - 15/2) vừa qua, Bộ trưởng, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) Alok Sharma đã dành thời gian trải nghiệm xe bus điện tại Hà Nội. Ông Alok Sharma nhấn mạnh: "Tôi hoan nghênh vai trò lãnh đạo về khí hậu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện tại COP26, trong đó có mục tiêu quan trọng: Đạt mức phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050”.


Trở ngại lớn trong việc tạo thói quen đi bộ và sử dụng giao thông công cộng ở Hà Nội là môi trường đi bộ còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đây là một trong những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, qua đó gia tăng số người sử dụng giao thông công cộng.
Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình