Muốn giảm phương tiện cá nhân

Phải ưu tiên phát triển vận tải công cộng

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hạn chế xe máy tại Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác trên cả nước là mục tiêu cấp bách nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông (UTGT), ô nhiễm môi trường.

Sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh Hải Linh
Sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh Hải Linh

Muốn đạt được mục tiêu đó, điều kiện tiên quyết là phải phát triển một mạng lưới vận tải hành khách công cộng lớn mạnh, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân.

Quá tải hạ tầng

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, tính đến đầu năm 2023, tỷ lệ đất dành cho giao thông của Thủ đô mới đạt khoảng 10,35% diện tích đất xây dựng đô thị. Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP gồm 154 tuyến, đáp ứng khoảng khoảng 18,5% nhu cầu đi lại.

 

Đến năm 2030, vận tải hành khách công cộng của Hà Nội phải đáp ứng được tối thiểu 40% nhu cầu đi lại của toàn TP mới có thể áp dụng dần dần các biện pháp hạn chế xe máy.
TS giao thông đô thị
Lê Đỗ Mười

Sau khi có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, năng lực của mạng lưới vận tải hành khách công cộng đã được nâng cao đáng kể nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng.

Nguyên nhân lớn nhất do lượng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy của TP quá lớn. Hiện đã có gần 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó xe máy và xe máy điện chiếm gần 90% với khoảng 7 triệu chiếc. Do đa phần người dân vẫn giữ thói quen đi lại bằng xe cá nhân nên tốc độ gia tăng phương tiện của TP vẫn rất cao khoảng từ 4 - 5%/năm. Hệ quả tất yếu là quá tải về hạ tầng, UTGT xảy ra ở nhiều nơi từ nội đô đến ngoại thành, ô nhiễm không khí ở mức đáng lo ngại.

Một trong những nhóm giải pháp quan trọng nhất Hà Nội đề ra để kéo giảm UTGT và ô nhiễm môi trường là hạn chế phương tiện cá nhân. Tháng 4/2017, HĐND TP đã thông qua nghị quyết “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Ngày 13/6 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3195/QĐ - UBND phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội” với 33 mục tiêu trọng tâm.

Trong đó, UBND TP tiếp tục giao Sở GTVT Hà Nội chủ trì nghiên cứu, lập Đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”; và Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ UTGT và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

Cả hai đề án sẽ được nghiên cứu xây dựng trong giai đoạn 2023 - 2025 thể hiện quyết tâm của TP trong việc hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy, góp phần giảm thiểu UTGT và ô nhiễm môi trường.

Chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung nhận định: “Hà Nội đã tỏ rõ quyết tâm hướng đến mục tiêu giảm thiểu phương tiện cá nhân. Đây là giải pháp rất cần thiết, bởi trong khoảng 7 - 10 năm nữa hạ tầng của TP sẽ không còn chịu nổi áp lực giao thông nếu TP có tới 10 - 12 triệu phương tiện”.

Mặc dù vấn đề hạn chế xe máy khá nhạy cảm. Nhưng theo các chuyên gia đó là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để bảo đảm lợi ích của chính người dân. Vấn đề là cơ quan quản lý Nhà nước phải tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ. Và quan trọng hơn, trước khi triển khai các biện pháp giảm thiểu xe máy cần phải có hệ thống vận tải hành khách công cộng đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại.

Đa dạng loại hình vận tải công cộng

Hà Nội đang tập trung toàn lực phát triển hạ tầng giao thông và đầu tư mạnh mẽ cho vận tải hành khách công cộng. Các chuyên gia dự báo nếu đến năm 2030 có thể đưa vào hoạt động 3 - 4 tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến bus, 35.000 xe taxi, 15 - 20 tuyến mini bus, 8.000 - 10.000 xe đạp công cộng, TP sẽ có đủ điều kiện để hạn chế xe máy trong một số khu vực nội đô trung tâm.

 

Rõ ràng là muốn hạn chế xe máy phải có mạng lưới vận tải hành khách công cộng phát triển tốt, bao phủ rộng khắp, hoạt động hiệu quả với đường sắt đô thị là xương sống. Bên cạnh đó TP cũng cần tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, dần dần loại bỏ thói quen sử dụng xe cá nhân, đặc biệt là xe máy.
Chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung



Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển vận tải hành khách công cộng. đường sắt đô thị đã xuất hiện và ngay lập tức cho thấy hiệu quả mạnh mẽ; xe bus nhiên liệu sạch đi vào khai thác; xe đạp, xe đạp điện công cộng chuẩn bị ra mắt vào đầu tháng 9 năm nay.

Ông Trần Văn Bính - Tổ trưởng Tổ dân phố số 42, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp 2, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai nói: “Đó là những dấu hiệu rất tích cực cho thấy TP đang đi đúng hướng, đi nhanh và quyết tâm trong phát triển vận tải hành khách công cộng. Nếu tàu điện, xe bus đáp ứng được yêu cầu, người dân chúng tôi sẽ tự từ bỏ xe máy”.

Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho hay, theo khảo sát tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hiện có trên 50% lượng khách sử dụng vé tháng, coi đường sắt đô thị là phương tiện di chuyển chính hằng ngày. Thói quen đi bộ cũng đã hình thành trong đông đảo hành khách, thậm chí có người chấp nhận đi bộ đến trên 1 km để tới nhà ga.

Thực tế đó cho thấy, đường sắt đô thị với ưu điểm nổi bật là loại hình vận tải hành khách nhanh, khối lượng lớn sẽ đóng vai trò chính trong việc thay thế xe cá nhân. Chuyên gia giao thông Lê Trung Hiếu cho rằng: “Hà Nội cần dốc sức đầu tư cho mạng lưới đường sắt đô thị, càng sớm hoàn thiện cả 10 đoạn tuyến càng tốt. Trong đó nên ưu tiên tập trung cho các tuyến kết nối nội đô lịch sử với sân bay và các trục phát triển kinh tế, đông dân cư như cửa ngõ phía Tây, phía Nam Thủ đô”.

Bên cạnh đó cần cải thiện năng lực mạng lưới xe bus, ưu tiên tối đa mọi điều kiện cho xe bus hoạt động hiệu quả hơn. Anh Bạch Thái Thịnh (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) chia sẻ: “Vấn đề là xe bus giờ cao điểm thường bị chậm giờ, dịch vụ một số tuyến chưa cao nên người dân vẫn thích sử dụng xe máy hơn. Nếu xe bus bảo đảm rút ngắn được thời gian di chuyển sẽ có không ít người bỏ thói quen đi xe máy”.

Hà Nội còn rất nhiều tồn tại do lịch sử để lại về hạ tầng, về mạng lưới vận tải hành khách công cộng… hiện TP đang tập trung nỗ lực giải quyết từng vấn đề, và từng bước giải quyết có hiệu quả.

 

Tại Thượng Hải và Quảng Châu (Trung Quốc), chính quyền hai TP này đã thực hiện việc hạn chế xe cá nhân theo lộ trình thời gian và khu vực. Đầu tiên là ban hành chủ trương để khuyến khích nhiều tư nhân phát triển hạ tầng, phương tiện công cộng. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng ủng hộ, hạn chế dần và tiến tới không đăng ký mới với xe máy.