Phản biện xã hội về giảm phát thải nhựa trên địa bàn Hà Nội: tăng tuyên truyền tới chính quyền cơ sở
Kinhtedothi - Các chuyên gia đề nghị, trong các biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn TP Hà Nội, riêng về công tác tuyên truyền cần bổ sung việc tuyên truyền tới tổ dân phố, chính quyền cơ sở và truyền thông rộng rãi, trong đó UBND TP hướng dẫn và cụ thể hóa các nội dung.
Hôm nay, 23/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội đối với 2 dự thảo Nghị quyết quy định các biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn TP Hà Nội và biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện điểm D, khoản 2, Điều 28 Luật Thủ đô).
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Phạm Anh Tuấn chủ trì Hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường chủ trì Hội nghị
Đối tượng cần hướng tới là người dân
Tại Hội nghị, thay mặt cơ quan soạn thảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn đã trình bày tóm tắt Tờ trình về việc đề nghị ban hành 2 nghị quyết về các nội dung nói trên.
Theo đó, tình trạng rác thải nói chung và ô nhiễm do rác thải nhựa nói riêng ngày càng nghiêm trọng, trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, môi trường sống. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành 2 nghị quyết nêu trên là hết sức cần thiết và có tính thực tiễn cao.
Nêu ý kiến phản biện, hầu hết ý kiến chuyên gia, nhà khoa học nêu ý kiến trực tiếp và gửi ý kiến tới Hội nghị đều đánh giá cao, tán thành việc ban hành 2 nghị quyết, thể hiện trách nhiệm, tính chủ động của chính quyền Thủ đô đối với vấn đề này.
Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo phân tích rõ hơn những đặc trưng về nguồn phát sinh chất thải và thành phần chất thải rắn ở Hà Nội, trong đó có chất thải nhựa. Bởi hiện nguồn phát sinh chất thải bức xúc nhất là chất thải rắn sinh hoạt và chủ yếu đến từ các khu dân cư, vì vậy đối tượng cần hướng tới của nghị quyết là người dân, chứ không phải doanh nghiệp.

Các chuyên gia, nhà khoa học nêu ý kiến
Đáng chú ý, nhiều ý kiến đề nghị, việc phân loại rác thải 3R (tiết giảm - tái sử dụng - tái chế) phải là biện pháp cốt lõi, nên được tập trung nguồn lực để làm tốt khâu phân loại tại nguồn và đối tượng thực hiện chính là người dân. Do vậy, cần xây dựng các cách tiếp cận khác nhau trong phân loại rác tại nguồn đối với hộ gia đình, khu chung cư, siêu thị...
Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng, việc quy định đối tượng được hỗ trợ là các cơ sở sản xuất kinh doanh có doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm hoặc nguồn vốn trên 3 tỷ đồng có thể làm giảm sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ..., nên cần xem xét lại.
Đặc biệt, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị, riêng về công tác tuyên truyền cần bổ sung việc tuyên truyền tới tổ dân phố, chính quyền cơ sở và truyền thông rộng rãi, trong đó nên có giao UBND TP hướng dẫn và cụ thể hóa các nội dung trên.
Về giải pháp (khoản 3) vận động, thu hút các nguồn tài trợ, nguồn vốn từ các nước, tổ chức quốc tế, chuyên gia này nhận định đây là giải pháp cần nhưng có thể bổ sung, có chính sách ưu đãi từ ngân sách Nhà nước để hấp dẫn các nhà đầu tư nhằm tạo thuận lợi khi đặt mốc thời gian: từ ngày 1/1/2026 không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và từ tháng 1/2032 không sử dụng sản phẩm hàng hóa chưa vi nhựa.
Lộ trình rõ ràng, kết hợp các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích
Trước các ý kiến góp ý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn đã giải trình, làm rõ một số vấn đề.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường cho biết, việc ban hành cả hai Nghị quyết đều được đánh giá là hết sức cần thiết và cấp bách, bởi tình trạng rác thải nói chung và ô nhiễm do rác thải nhựa nói riêng đang ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong đời sống và đe dọa môi trường sống, sức khỏe con người, đặc biệt tại Hà Nội - một đô thị lớn với lượng rác thải phát sinh khổng lồ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu
“Việc ban hành các Nghị quyết này cũng hoàn toàn phù hợp với Luật Thủ đô 2024, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bảo vệ môi trường và các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ”- ông Nguyễn Sỹ Trường nêu rõ.
Đối với kết cấu, bố cục và nội dung các Nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu chắt lọc các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội nghị hôm nay để chỉnh sửa đối với dự thảo Nghị quyết trước khi trình HĐND TP ban hành.
Trong đó, đối với dự thảo Nghị quyết “Quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn TP Hà Nội”, ông Nguyễn Sỹ Trường lưu ý cơ quan soạn thảo đặc biệt chú trọng đến tính khả thi và hiệu quả của các quy định, bởi việc cấm sử dụng hoàn toàn túi nhựa dùng một lần ngay lập tức có thể gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Do đó, cần có lộ trình rõ ràng, kết hợp với các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sử dụng sản phẩm thay thế và phân loại rác tại nguồn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Cùng đó, đề nghị UBND TP quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, từ cá nhân, hộ gia đình đến cơ quan, đơn vị, tổ chức; bổ sung trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở trong việc tổ chức triển khai, kiểm tra và xử lý vi phạm, bảo đảm nghị quyết đi vào cuộc sống.
Đồng thời, đề nghị UBND TP có các cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tham gia tích cực vào quá trình phân loại, thu gom, sơ chế rác thải tại nguồn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tổ chức các hoạt động thiết thực tại khu dân cư, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với việc thực hiện nghị quyết.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, không chỉ dừng lại ở các nhà đầu tư lớn mà cần quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ, các đơn vị nghiên cứu, start-up có giải pháp sáng tạo, sản phẩm thân thiện môi trường. Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân tiêu dùng các sản phẩm thay thế nhựa.
Bên cạnh đó, đối với Quy định biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất trên địa bàn TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung “người tiêu dùng” vào đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ. Đây là yếu tố then chốt để khuyến khích tiêu thụ sản phẩm tái chế, tạo ra vòng tuần hoàn kinh tế bền vững. Đồng thời, cần mở rộng đối tượng hỗ trợ đến các doanh nghiệp nhỏ, các tổ chức cộng đồng có mô hình sáng tạo trong tái chế.
Cùng đó, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định, đánh giá và quyết định hỗ trợ tài chính để bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả; cần coi kinh tế tuần hoàn là một trong những trụ cột chính sách của nghị quyết này. Các chính sách hỗ trợ cũng nên được thiết kế để khuyến khích toàn bộ chu trình từ thu gom, phân loại, tái chế đến tiêu thụ sản phẩm tái chế, tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn hoàn chỉnh.
“Cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện các văn bản và có văn bản trả lời các ý kiến phản biện của MTTQ Việt Nam TP theo quy định”- ông Nguyễn Sỹ Trường nêu rõ.
Hà Nội: hướng dẫn mới về chính sách nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc trong sắp xếp bộ máy
Kinhtedothi-Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, đây là cơ sở quan trọng nhằm bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.

Đoàn đại biểu Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội thăm, làm việc tại Huế
Kinhtedothi-Hôm nay, 22/5, Đoàn đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, nhân sĩ, trí thức, chức sắc, tôn giáo, dân tộc thiểu số TP Hà Nội đã đến thăm các tổ chức tôn giáo và trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Huế.

Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể T.Ư triển khai quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ
Kinhtedothi- Sáng 23/5, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể Trung ương (T.Ư) tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Ban Bí thư về công tác cán bộ. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể T.Ư, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị.