Khoán kiểm tra doanh nghiệp
Hà Nội đang trong tuần lễ quốc gia ATVSLĐ – PCCN, sẽ có bao nhiêu đơn vị được kiểm tra việc thực hiện vấn đề này, thưa ông?
- Trong tuần lễ quốc gia, chúng tôi thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành, 1 đoàn do Sở LĐTB&XH Hà Nội làm Trưởng đoàn và 1 đoàn của Cảnh sát PCCC TP dẫn đầu, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác ATVSLĐ – PCCN tại 50 DN và công trình xây dựng. Năm nay, Hà Nội có nhiều nội dung đổi mới so với các tỉnh, TP khác, là để công tác ATVSLĐ – PCCN được duy trì và thực hiện hiệu quả, vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Do đó, chúng tôi sẽ kiểm tra 10 Ban chỉ đạo ATVSLĐ – PCCN của các quận, huyện. Năm ngoái cũng như năm trước nữa, chúng tôi đi kiểm tra nhận thấy chức năng, nhiệm vụ của chính quyền các cấp được nâng lên, do đó góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và cháy nổ trên địa bàn TP.
Hà Nội có hơn 17.000 DN, trên 1.100 làng nghề và khoảng 1 triệu lao động tự do từ các tỉnh đến làm việc. Làm thế nào để kiểm soát được việc thực hiện ATVSLĐ – PCCN?
- Hà Nội có diện tích, số DN và làng nghề lớn nhất cả nước, nên việc quản lý thực hiện ATVSLĐ – PCCN là thách thức đối với Thủ đô. Với đặc thù này, từ 5 năm trước, chúng tôi tham mưu cho UBND TP tiến hành phân cấp công tác quản lý về ATVSLĐ – PCCN cho UBND các quận, huyện. Luật ATVSLĐ có hiệu lực vào tháng 7/2016 cũng đề cập đến vai trò quản lý Nhà nước của UBND các cấp đối với công tác này. Còn đối với các quận, huyện, tùy theo tình hình của từng nơi, chúng tôi áp dụng khoán việc kiểm tra DN. Ví dụ, quận, huyện có từ 500 – 1.000 DN phải kiểm tra 30 – 50 đơn vị trong một năm và phải có chất lượng. Sau khi kiểm tra, sẽ gửi báo cáo kết quả về Sở LĐTB&XH – cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo ATVSLĐ – PCCN của TP để chúng tôi theo dõi.
Thế nào thì được gọi là "kiểm tra phải có chất lượng", thưa ông?
- Đối với những đoàn của các quận, huyện bước đầu có bỡ ngỡ, chúng tôi cử cán bộ tại Sở xuống cùng tham gia; quận, huyện nào đảm đương được sẽ tự thực hiện công việc đó. Khi kiểm tra ở các quận, huyện, vai trò của cảnh sát PCCC là rất quan trọng. Các đồng chí cũng được huấn luyện và đào tạo bài bản, cho nên đều nắm được những nội dung cần phải kiểm tra.
Ra chỉ thị riêng để phòng ngừa tai nạn
Năm 2015 xảy ra khá nhiều vụ cháy ở khu chung cư, vậy phải có biện pháp gì để giảm thiểu tình trạng này trong năm nay, thưa ông?
- Hưởng ứng tuần lễ quốc gia, vừa qua, Sở LĐTB&XH Hà Nội và cảnh sát PCCC TP ký kết phối hợp quản lý Nhà nước về ATVSLĐ – PCCN. Đúng là năm 2015 vừa qua, một số chung cư xảy ra các vụ cháy. Qua nắm bắt tình hình, chúng tôi thấy vẫn còn chung cư chưa có ban quản lý tòa nhà, nên công tác kiểm tra an toàn đối với thang máy, quản lý kiểm tra về PCCC còn rất lỏng lẻo. Trước những tồn tại này, chúng tôi cùng với cảnh sát PCCC TP yêu cầu các chung cư ấy phải thành lập ngay ban quản lý để quản lý và tập huấn về công tác ATVSLĐ – PCCN.
Còn trong lĩnh vực xây dựng - lĩnh vực được thống kê xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất?
- Tình hình mất an toàn xây dựng trên địa bàn TP trong năm qua giảm nhiều so với 2014. Liên sở gồm Xây dựng và LĐTB&XH đã tham mưu cho Chủ tịch UBND TP ban hành Chỉ thị số 08 về quản lý các máy thiết bị, đặc biệt là cần trục tháp. Toàn bộ thiết bị và cần cẩu trước khi đưa vào lắp đặt ở các công trình xây dựng đều phải được các cơ quan chức năng thẩm duyệt và cho phép hoạt động, đồng thời phải có biện pháp đảm bảo an toàn. Thứ hai phải kiểm định đảm bảo an toàn thì mới được đưa vào hoạt động. Tôi tin chắc Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước mà Chủ tịch UNND TP có những chỉ thị cá biệt như vậy.
Xin cảm ơn ông!
Ông Bạch Quốc Việt - Trưởng phòng An toàn lao động, Sở LĐTB&XH Hà Nội
|