Phấn đấu 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chống mù chữ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã đưa ra mục tiêu đến năm 2015 tỷ lệ người biết chữ độ tuổi 15 - 60 tuổi đạt 99%; trong đó độ tuổi từ 15 - 35 tuổi tỷ lệ người biết chữ đạt 100%.

Cũng theo mục tiêu trên, 90% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia hoạc tập với nhiều hình thức khác nhau nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ; 100% quận, huyện, thị xã và 99,7% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2013 - 2015.

Đến năm 2020 tỷ  lệ người biết chữ độ tuổi 15 – 60 tuổi đạt 99,5%; trong đó độ tuổi từ 15 - 35 tuổi tỷ lệ người biết chữ đạt 100%; 95% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia hoạc tập với nhiều hình thức khác nhau nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ; 100% quận, huyện, thị xã và 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chống mù chữ giai đoạn 2015 - 2020.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Để đạt được mục tiêu trên, TP sẽ tiến hành nâng cao nhận thức về công tác chống mù chữ cho cán bộ, nhân dân thông qua nhiều hình thức như thông tin như các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền… làm rõ vị trí, tầm quan trọng của việc biết chữ và sự thiệt thòi của người không biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, cộng đồng.

Đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học xóa mù chữ với các nhóm đối tượng. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia công tác chống mù chữ.

Xây dựng chương trình, tài liệu xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng. Củng cố, bền vững kết quả chống mù chữ, hạn chế mù chữ trở lại. Đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác xóa mù chữ và tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về công tác chống mù chữ.

Cán bộ và tình nguyện viên tuyên truyền sẽ vận động trực tiếp tới từng gia đình và cá nhân, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng tham gia tuyên truyền thực hiện chống mù chữ và phổ cập các cấp.

Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục – chống mù chữ các cấp là đơn vị tổ chức công tác điều tra cơ bản, đảm bảo số liệu chính xác người mù chữ, không bỏ sót, trên cơ sở này các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và phối hợp với ngành giáo dục địa phương tổ chức các lớp học xóa mù chữ phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của từng địa bàn dân cư.

Các lớp xóa mù chữ phải phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với người khiếm thị, khiếm thính, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng này được học tập và hòa nhập cộng đồng.