Hà Nội:

Phấn đấu hết năm 2022, thu nhập của người dân nông thôn đạt 60 triệu đồng/người/năm

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/8, Thành uỷ Hà Nội ban hành Thông báo số 841-TB/TU về Kết luận của Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Chương trình quý II/2022.

Theo nội dung Thông báo số 841-TB/TU, ngày 8/7/2022, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy họp giao ban về Kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội quý II/2022, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022.

Phấn đấu đến hết năm 2022, thu nhập của người dân nông thôn đạt 60 triệu đồng/người/năm.
Phấn đấu đến hết năm 2022, thu nhập của người dân nông thôn đạt 60 triệu đồng/người/năm.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hoàn thành mục tiêu Chương trình năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, bổ sung định hướng của Chương trình trong 6 tháng cuối năm, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022 đã đề ra. Sớm ban hành Bộ tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để các cấp, các ngành và địa phương căn cứ thực hiện. Khẩn trương kiểm tra, đôn đốc, rà soát tiêu chí, bố trí kinh phí đối với 3 huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, 25 xã nâng cao và 15 xã kiểu mẫu, phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2022.

Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP phối hợp với Ban Tuyên giáo và các cơ quan liên quan quan tâm thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân về mục tiêu, chủ trương, định hướng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt là những vấn đề, nội dung mang tính bức thiết, nhằm động viên huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận trong Nhân dân. Triển khai hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Hoàn thành việc tổ chức đánh giá, phân hạng thêm ít nhất 400 sản phẩm OCOP trong năm 2022.

Sở NN&PTNT, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND TP sớm phân bổ đối với kế hoạch vốn cho 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022; kinh phí hỗ trợ 3 huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Đặc biệt quan tâm tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn mức độ 2, tiêu chí nước sạch, môi trường.

Chú trọng công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch vùng huyện, quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với các tiêu chí đô thị. Trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh tập trung, quy hoạch phát triển làng nghề, các cụm công nghiệp làng nghề, dịch vụ nông thôn gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái. Khẩn trương kiểm tra, rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, việc giao đất, cho thuê đất... để chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, nhất là các cụm công nghiệp làng nghề theo kế hoạch đề ra.

Tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các nhà văn hóa thông xã; các trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; hệ thống cung cấp nước sạch khu vực nông thôn; tiếp tục nâng cao hơn nữa hệ thống y tế tại cơ sở, gắn với việc nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn. Phấn đấu đến hết năm 2022, thu nhập của người dân nông thôn đạt 60 triệu đồng/người/năm.

Đối với những kiến nghị của các huyện, thị xã: Giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP và các sở, ngành xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy và lãnh đạo TP đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần